Chính trị - Xã hộiThế giớiPháp luậtKinh tếSống khỏeGiáo dụcThể thaoVăn hóa - Giải tríNhịp sống trẻNhịp sống sốBạn đọcDu lịchCần biếtCơ hội mua sắmDanh bạ trường họcTUOITRENEWSTUỔI TRẺ CUỐI TUẦNTUỔI TRẺ CƯỜITUỔI TRẺ TVTỦ SÁCH

Ngành Quản trị - Luật: Học cùng lúc ra trường nhận hai bằng đại học

08/06/2021 11:06 GMT+7

Sau 5 năm học ngành Quản trị - Luật tại Trường ĐH Luật TP.HCM, sinh viên ra trường sẽ được cấp hai bằng là bằng Cử nhân Luật và bằng Cử nhân Quản trị Kinh doanh.

Ngành Quản trị - Luật: Học cùng lúc ra trường nhận hai bằng đại học

Sinh viên ngành Quản trị - Luật tham gia các chương trình, hội thi để rèn luyện chuyên môn và các kỹ năng (Nguồn: Internet)

“Trường ĐH Luật TP.HCM là trường đại học duy nhất ở nước ta hiện nay được Bộ GD&ĐT cho phép tuyển sinh và đào tạo chính quy cả 2 văn bằng song ngành Quản trị - Luật. Chương trình đào tạo của ngành Quản trị - Luật được thiết kế bằng việc đào tạo trong vòng 5 năm, sinh viên học ngành này sẽ được cung cấp kiến thức về lĩnh vực pháp luật, cùng với đó phải nắm chắc những kiến thức về lĩnh vực quản trị kinh doanh” - PGS.TS Nguyễn Thị Thủy, Phó Trưởng Khoa Quản trị, cho biết.

Ngành học cho những bạn chịu được áp lực

Chia sẻ thêm về những thắc mắc của học sinh về tố chất và thế mạnh nào phù hợp với ngành học Quản trị - Luật, PGS.TS Nguyễn Thị Thủy cho biết ngành học này là một ngành đào tạo đặc biệt của nhà trường khi rút ngắn thời gian đào tạo nhưng ra trường vẫn được cấp 2 bằng đại học chính quy văn bằng 1 nên đòi hỏi sinh viên của ngành này phải có một năng lực chịu áp lực lớn, khả năng học tập tập trung cao, tinh thần tự học và tự nghiên cứu tốt, đồng thời phải có tố chất về cả tự nhiên và xã hội khi học cả hai ngành Quản trị Kinh doanh (vốn là thế mạnh của sinh viên khối tự nhiên) và ngành Luật (vốn là thế mạnh của sinh viên khối tự nhiên và xã hội).

Bạn Lê Hoàng Yến, sinh viên năm thứ 5 ngành Quản trị - Luật, cho rằng: “Tôi nghĩ nếu muốn chọn học ngành này, bạn phải là người có tư duy logic, khả năng diễn đạt tốt vì người học luật không chỉ hiểu, nắm kiến thức luật mà còn phải biết diễn đạt để người khác hiểu. Vì học song song hai ngành mà mỗi ngành đều có những đòi hỏi nhất định như quản trị kinh doanh, đòi hỏi mình phải nhanh nhạy, có kiến thức về kinh tế; còn ngành luật lại đòi hỏi mình phải tư duy logic là yếu tố cốt lõi. Chính vì thế bạn phải chuẩn bị tinh thần để “cày” thật tốt và quan trọng là bạn phải biết tự nghiên cứu bổ sung kiến thức cho bản thân”.

Dù khi học lớp 12, chưa hiểu về ngành học này nhiều nhưng theo Yến chia sẻ, bởi vì thấy ngành học này lấy điểm chuẩn đầu vào cao nên Yến chọn như là có duyên nhưng “càng học càng thấy say mê. Và tôi nhìn thấy cơ hội việc làm rất nhiều từ các anh chị sinh viên khóa trước. Ai ra trường hầu như đều có việc làm và việc có 2 bằng Luật và Quản trị Kinh doanh cũng là một lợi thế so với những ứng viên khác” – Yến cho hay.

Cơ hội việc làm nhiều hơn

Là cựu sinh viên ngành Quản trị - Luật, anh Nguyễn Văn Toại ra trường năm 2018 và hiện đang phụ trách pháp lý tại công ty cho thuê tài chính của nước ngoài, cho biết: “Khi học, sinh viên ngành này sẽ phải học nhiều hơn, thời gian dài hơn các ngành khác trong trường là 1 năm. Tuy nhiên, khi ra trường, cơ hội việc làm rộng hơn. Các nhà tuyển dụng cũng ưu tiên chọn những ứng viên có trong tay hai bằng. Dù thế nào thì cuối cùng năng lực của bản thân cũng được đánh giá cao hơn sau hai tháng thử việc”. Bằng kinh nghiệm bản thân, Toại cho rằng việc mình có kiến thức về quản trị kinh doanh đã hỗ trợ cho công việc pháp lý của anh trong đơn vị chuyên cho thuê tài chính này một cách tốt nhất. “Kiến thức chuyên ngành của hai lĩnh vực và kỹ năng mềm đã giúp mình làm việc hiệu quả hơn” - Toại cho hay.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thủy, sinh viên ngành này khi ra trường có thể làm việc trong các lĩnh vực đòi hỏi kiến thức tổng hợp quản trị và luật như: dịch vụ công cộng, thương mại quốc tế, quản trị doanh nghiệp, tài chính, tư vấn quản trị, tư vấn tài chính, tư vấn luật kinh doanh, quản lý doanh nghiệp. Đồng thời cũng có thể công tác tại các cơ quan tuyển dụng cử nhân luật như: tòa án nhân dân các cấp; viện kiểm sát nhân dân các cấp; hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn của ủy ban nhân dân các cấp; công an; thanh tra; thi hành án; sở tư pháp, sở ngoại vụ, sở công thương, sở tài nguyên - môi trường, cục thuế, hải quan, bộ công thương, bộ tài chính...; bộ phận pháp chế hoặc nhân sự trong các doanh nghiệp trong và ngoài nước; làm luật sư tư vấn cho các công ty luật, văn phòng luật sư; hoặc làm công tác nghiên cứu trong các viện nghiên cứu nhà nước và pháp luật, viện kinh tế…

Ngoài ra, với bằng cử nhân quản trị kinh doanh, sinh viên có thể làm việc trong các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế, có thể đảm nhận các công việc như: trợ lý phân tích và lập báo cáo về thị trường kinh doanh, trợ lý xây dựng và thực hiện kế hoạch nhân sự, tài chính; quản lý xuất nhập khẩu, quản lý khách sạn, khu giải trí, nhà hàng; hoặc có thể tự khởi nghiệp như thành lập doanh nghiệp với vai trò người chủ và người quản lý, trong tương lai có thể trở thành những nhà tư vấn có khả năng hoạt động độc lập...

Năm 2021, Ngành Quản trị - Luật tuyển sinh các tổ hợp. A00, A01, D01, 3, 6 và D84, 87, 88. Sinh viên được đào tạo kiến thức về luật (chuyên sâu về lĩnh vực luật kinh doanh) và kiến thức về quản trị kinh doanh. Ngoài ra, sinh viên còn phải đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh đối với chương trình chất lượng cao (CLC) là TOEIC 650, chương trình đại trà là TOEIC 550. Chất lượng và hiệu quả của ngành này đã nhận được sự đánh giá tích cực từ xã hội, cụ thể tỉ lệ có việc làm của sinh viên ngành Quản trị - Luật là 98% từ năm đầu tiên ra trường. Đặc biệt, sinh viên học chương trình CLC của ngành này hầu như đều được các đơn vị sử dụng lao động tuyển chọn khi đang học năm cuối.

Theo CNTS của báo Tuổi Trẻ

...