Chính trị - Xã hộiThế giớiPháp luậtKinh tếSống khỏeGiáo dụcThể thaoVăn hóa - Giải tríNhịp sống trẻNhịp sống sốBạn đọcDu lịchCần biếtCơ hội mua sắmDanh bạ trường họcTUOITRENEWSTUỔI TRẺ CUỐI TUẦNTUỔI TRẺ CƯỜITUỔI TRẺ TVTỦ SÁCH

Năm 2023, Đại học Quốc gia TP.HCM tăng chỉ tiêu xét điểm thi năng lực lên 45%

26/12/2022 17:12 GMT+7

Đại học Quốc gia TP.HCM công bố đổi mới công tác tuyển sinh đại học năm 2023 theo hướng tăng tỉ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức đánh giá năng lực.

Năm 2023, Đại học Quốc gia TP.HCM tăng chỉ tiêu xét điểm thi năng lực lên 45%

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Tăng cường xét tuyển tổng hợp

Theo kế hoạch hoạt động trọng tâm về đào tạo năm 2023, Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ tăng cường triển khai các phương thức xét tuyển do đại học này xây dựng chung và tổ chức thực hiện.

Đáng chú ý, tỉ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức đánh giá năng lực tối thiểu đạt 45%; mở rộng quy mô và địa điểm thi đánh giá năng lực. Đồng thời, sẽ đánh giá và tiếp tục triển khai phương thức xét tuyển dựa trên tổ hợp nhiều tiêu chí (theo cách của Trường đại học Bách khoa đã thực hiện trong kỳ tuyển sinh năm 2022).

PGS.TS Trần Thiên Phúc - phó hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho hay từ năm 2023, trường này đề xuất tiếp tục đổi mới phương thức tuyển sinh với các trọng tâm: triển khai và phát triển kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM để trở thành một kỳ thi quan trọng trong công tác tuyển sinh tại trường này nói riêng, ở các đơn vị thuộc hệ thống đại học này nói chung và rộng hơn cho cả nước.

Tiếp tục triển khai và tăng cường công tác xét tuyển theo hướng tổng hợp nhiều tiêu chí nhằm tuyển đúng thí sinh giỏi, có năng lực và thái độ phù hợp với mục tiêu đào tạo của ngành/nghề.

Chất lượng thí sinh xét tuyển tổng hợp rất cao

Theo Đại học Quốc gia TP.HCM, số lượng thí sinh nhập học bằng phương thức xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực năm 2022 đạt 35,39% so với chỉ tiêu đề ra là 40%.

Mục tiêu này tuy chưa đạt được nhưng là một tỉ lệ khá tốt so với năm 2021 (chưa tới 20%). Trong khi phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT dưới 40% tổng chỉ tiêu, đã đạt mục tiêu đại học này đề ra.

Riêng Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), năm 2022 đã dành khoảng 70-90% tổng chỉ tiêu trong 5.000 chỉ tiêu đại học chính quy cho phương thức tổng hợp. Có 13.922 nguyện vọng đăng ký theo phương thức tổng hợp cho khoảng 3.500 chỉ tiêu, đạt tỉ lệ khoảng 400%.

PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo nhà trường, cho biết: "Phân tích dữ liệu thí sinh đã trúng tuyển bằng phương thức tổng hợp cho thấy có 43,2% thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực từ 800 điểm, thuộc top 6% thí sinh có điểm thi năng lực năm 2022 cao nhất, và có 43% có điểm thi THPT (theo tổ hợp đăng ký xét tuyển) từ 26 điểm (66,7% có điểm từ 25 điểm).

Điều này cho thấy, mặc dù đây là năm đầu tiên trường áp dụng phương thức tổng hợp này, nhưng thí sinh đã trúng tuyển vào trường đều có học lực rất tốt".

Theo báo cáo của Đại học Quốc gia TP.HCM, năm 2022, tỉ lệ sinh viên nhập học tại đại học này đạt 90,21% so với chỉ tiêu. Theo đó, các đơn vị xét tuyển tỉ lệ cao như: Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (102,49%), Trường đại học Công nghệ thông tin (102,06%), Trường đại học Kinh tế - Luật (101,93%).

Nhưng một số đơn vị đạt tỉ lệ sinh viên nhập học khá thấp như Phân hiệu Đại học Quốc gia TP.HCM tại tỉnh Bến Tre 50%, Khoa Y 62,70%, Trường đại học Quốc tế (63,74%).

Theo Trần Huỳnh trên Tuổi Trẻ Online

...