Chính trị - Xã hộiThế giớiPháp luậtKinh tếSống khỏeGiáo dụcThể thaoVăn hóa - Giải tríNhịp sống trẻNhịp sống sốBạn đọcDu lịchCần biếtCơ hội mua sắmDanh bạ trường họcTUOITRENEWSTUỔI TRẺ CUỐI TUẦNTUỔI TRẺ CƯỜITUỔI TRẺ TVTỦ SÁCH

Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2023: Chọn ngành theo bản thân, gia đình, hay xu hướng xã hội?

10/01/2023 14:01 GMT+7

 Sáng 7-1, Chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2023 của báo Tuổi Trẻ tổ chức tại TP Long Khánh (Đồng Nai) thu hút khoảng 2.000 học sinh lớp 11 và 12 tham dự.

Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2023: Chọn ngành theo bản thân, gia đình, hay xu hướng xã hội?

PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM - tư vấn tuyển sinh cho thí sinh Đồng Nai vào sáng 7-1 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Buổi tư vấn diễn ra sôi nổi khi các chuyên gia tuyển sinh - hướng nghiệp liên tục nhận được những câu hỏi thú vị nhưng cũng không kém phần hóc búa từ các học sinh Đồng Nai.

Hãy tìm hiểu sâu hơn về ngành nghề bạn theo đuổi để xem ngành này có những áp lực gì, yêu cầu thế nào, điều kiện ra sao. Từ đó, bạn sẽ có thể xem xét kỹ lưỡng ngành học ấy có phù hợp với bản thân hay không.

TS Lê Thị Thanh Mai (trưởng Ban công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM)

Học sinh Trần Nguyên Thu (Trường THPT Trương Vĩnh Ký): Ban đầu em thích học đại học ngành tiếng Hoa, nhưng gia đình bắt em học tiếng Anh và một số người lại khuyên em theo ngành công nghệ thông tin. Em chưa biết nên học gì?

- PGS.TS Bùi Hoài Thắng (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM): Đây là một vấn đề khá phổ biến ở các thí sinh đang cân nhắc chọn ngành, chọn nghề.

Gia đình khuyên bạn một xu hướng nghề nghiệp, nhu cầu xã hội mách bảo bạn một xu hướng khác và bản thân bạn lại ấp ủ thêm một xu hướng nữa. Trong tình huống này, các thí sinh thường sẽ có cảm giác bị "giằng xé", không nỡ bỏ bên nào.

Để gỡ rối, trước hết bạn cần tự nhủ mình đã 18 tuổi, có quyền tự quyết định. Bạn nên mạnh dạn xem những xu hướng mà gia đình, bạn bè, xã hội đang đặt ra chỉ là những góp ý để từ đó bạn nhìn thấy rõ nhiều khía cạnh của việc chọn ngành, chọn nghề.

Bạn mới là người cân nhắc và tổng hợp những góp ý này, cộng với tham khảo thêm nhiều tư liệu để đưa ra quyết định cuối cùng. Bạn có thể chân thành đặt vấn đề với gia đình: "Con đã trưởng thành, xin hãy cho con được tự chọn hướng đi cho mình...".

Học sinh tên Nguyên (Trường THPT Văn Hiến): Em nên lưu ý gì để chọn được các ngành học thích hợp trong khối của mình?

- TS Lê Thị Thanh Mai (trưởng Ban công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM): Nhiều học sinh hiện lựa chọn ngành học, trường học của mình theo "khuôn": xuất phát từ cột mốc chọn bài thi khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội, sau đó đến chọn tổ hợp môn thi tốt nghiệp THPT, rồi đến ngành, trường.

"Khuôn" này sẽ không lý tưởng bằng xuất phát từ chọn ngành trước. Tuy nhiên, nếu đã "lỡ" đi theo thì thí sinh đừng nên chỉ dừng lại ở chuyện biết trường là xong.

Hãy tìm hiểu sâu hơn về ngành nghề bạn theo đuổi để xem ngành này có những áp lực gì, yêu cầu thế nào, điều kiện ra sao. Từ đó, bạn sẽ có thể xem xét kỹ lưỡng ngành học ấy có phù hợp với bản thân hay không.

Một số tổ hợp hiện có số lượng xu hướng lựa chọn xuất hiện cao nhất trong những mùa tuyển sinh gần đây bao gồm A00 (toán - lý - hóa), D01 (toán - văn - Anh), A01 (toán - lý - Anh). Dù vậy, thí sinh đã theo "khuôn" thì không nên quá giới hạn bản thân bởi những tổ hợp này hiện ranh giới đã mở rộng rất nhiều.

Tổ hợp C00 không còn chỉ có thể học khoa học xã hội, B00 không chỉ có thể học y dược hoặc công nghệ sinh học... Bên cạnh đó, cũng nên đa dạng các phương thức ngoài xét tuyển, ngoài thi tốt nghiệp THPT mà còn có thể xét học bạ, thi đánh giá năng lực...

Học sinh Nghĩa (Trường THPT Long Khánh): Em có thể học gì để trở thành một chuyên gia tư vấn hướng nghiệp như các thầy cô để có thể sau này làm tư vấn cho nhiều học sinh khác?

- PGS.TS Phạm Tấn Hạ (phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM): Tôi nghĩ rằng các thầy cô ở đây khi bắt đầu những công việc đầu tiên, không ai nghĩ một ngày sẽ trở thành chuyên gia về tư vấn tuyển sinh. Có những điều là "duyên", mình đến với nghề hoặc nghề đến với mình.

Tuy nhiên để làm tư vấn nói riêng hay những ngành khác nói chung, bạn cần một cái tâm và trách nhiệm với nghề. Bạn có thể xuất phát từ bất cứ vị trí nào trong trường đại học từ đào tạo đến tuyển sinh nhưng phải có cái tâm với nghề.

Thời gian bốn năm học đại học rất tốt để bạn không chỉ học kiến thức mà còn rèn luyện kỹ năng, thái độ. Tổng hòa những yếu tố đó sẽ giúp bạn thành công trong hầu hết ngành, trong đó có công việc tư vấn nghề nghiệp.

Bạn cũng có thể cân nhắc theo học chuyên ngành về tâm lý học để học sâu hơn về tư vấn, áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau ngoài hướng nghiệp.

Sáng nay (8-1), chương trình tư vấn tuyển sinh đến với thị xã La Gi (Bình Thuận)

Buổi tư vấn sáng 8-1 sẽ diễn ra tại Trường THPT Lý Thường Kiệt (609 đường Thống Nhất, phường Tân An, thị xã La Gi, Bình Thuận).

Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia tư vấn đến từ Bộ GD-ĐT và nhiều trường đại học công lập lớn như Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Trường ĐH Luật TP.HCM, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, Trường ĐH Tài chính - Marketing...

Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp cùng sở GD-ĐT các địa phương tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

Theo Tuổi Trẻ Online

...