Chính trị - Xã hộiThế giớiPháp luậtKinh tếSống khỏeGiáo dụcThể thaoVăn hóa - Giải tríNhịp sống trẻNhịp sống sốBạn đọcDu lịchCần biếtCơ hội mua sắmDanh bạ trường họcTUOITRENEWSTUỔI TRẺ CUỐI TUẦNTUỔI TRẺ CƯỜITUỔI TRẺ TVTỦ SÁCH

Lương thuyền viên hàng chục triệu, chủ tàu vẫn đỏ mắt tìm người

25/06/2021 16:06 GMT+7

Đó là vấn đề đau đầu được nhà trường và một số doanh nghiệp đặt ra trong buổi tọa đàm nhân Ngày thuyền viên thế giới tổ chức tại Trường cao đẳng Hàng hải II (TP.HCM) sáng 25-6.

TS Trương Thanh Dũng (đứng) trong chương trình sáng 25-6

TS Trương Thanh Dũng (đứng) trong chương trình sáng 25-6 - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Ông Võ Lê Anh Dũng - trưởng phòng thuyền viên Công ty Inlaco Saigon - cho biết hiện nay 90% lượng hàng hóa trên thế giới vận chuyển bằng đường biển, trong đó thuyền viên chính là "trái tim".

Phúc lợi cho các thuyền viên trẻ rất lớn, lương khởi điểm cho lao động sơ cấp không dưới 10 triệu đồng và tăng nhanh theo trình độ và kinh nghiệm. Sau 10 năm khi lên đến các cấp độ quản lý hoặc thuyền trưởng, lương có thể trong mức 100 - 200 triệu đồng.

"Trong hai năm COVID-19, mặc dù một số ngành nghề chịu ảnh hưởng, thu nhập thuyền viên lại tăng ít nhất 10%" - ông Dũng nói.

Ngoài ra, các bạn trẻ theo nghề không phân biệt trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp hay sơ cấp. Một học viên sơ cấp ra trường bỏ thời gian học hỏi mỗi ngày sẽ có sức cạnh tranh không kém gì cử nhân đại học.

"Các trường hiện có những module sáu tháng sau khi học là có thể đi làm ngay. Sau khi làm một thời gian, nếu thấy phù hợp vẫn có thể học lên các trình độ cao hơn" - ông Dũng nói.

Dù vậy, số bạn trẻ muốn theo nghề vẫn rất thấp. Theo ông Bùi Lê Hoàng - giám đốc Công ty cung ứng xuất khẩu thuyền viên GPM, nhu cầu nhân lực hàng hải rất lớn nhưng nhiều năm qua rất khó khăn để tìm đủ người. Các chủ tàu vẫn phải "đỏ mắt" tìm thuyền viên dù chế độ đãi ngộ rất tốt.

TS Trương Thanh Dũng - hiệu trưởng Trường cao đẳng Hàng hải II - cho biết hiện có một số lý do khiến các bạn trẻ ngại chọn học các ngành hàng hải. Thứ nhất là tâm lý muốn gần gũi người thân và cha mẹ Việt không thích con cái "lênh đênh" xa nhà quá lâu. Ngày nay các gia đình chỉ có từ 1-2 con nên càng không thích để con theo nghề này.

Kế đó là tâm lý lo sợ những tai nạn như cướp biển thường được truyền thông đưa tin. Nhưng theo TS Dũng, mức độ an toàn cho các thuyền viên vẫn thuộc tốp cao trong danh sách lao động trên những phương tiện giao thông vận tải.

"Điều kiện làm việc trên tàu cũng dành cho những người có bản lĩnh, kỹ năng sống độc lập. Chính vì những yếu tố này đã làm ngành hàng hải chưa hấp dẫn trong mắt thí sinh bằng những công việc trên bộ", TS Dũng nói.

Kiến nghị cơ chế riêng cho nghề tàu biển

TS Trương Thanh Dũng cho biết thêm đang kiến nghị đến Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) để có cơ chế riêng cho nghề tàu biển được đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từ các ngành truyền thống đến hiện đại. Chương trình đào tạo sẽ tăng cường kết hợp trực tuyến và trực tiếp để các trường nghề có đào tạo những ngành hàng hải sẽ đáp ứng được nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp hiện nay.

Theo Trọng Nhân trên Tuổi Trẻ Online

...