Chính trị - Xã hộiThế giớiPháp luậtKinh tếSống khỏeGiáo dụcThể thaoVăn hóa - Giải tríNhịp sống trẻNhịp sống sốBạn đọcDu lịchCần biếtCơ hội mua sắmDanh bạ trường họcTUOITRENEWSTUỔI TRẺ CUỐI TUẦNTUỔI TRẺ CƯỜITUỔI TRẺ TVTỦ SÁCH

Nhiều trường tuyển sinh thoáng để kéo người học thạc sĩ, tiến sĩ

07/11/2019 12:11 GMT+7

TTO - Nhiều cơ sở đào tạo sau đại học đang cạnh tranh nhau bằng cách đưa ra tiêu chí, quy định tuyển sinh 'thoáng, nhẹ nhàng' đáp ứng nhu cầu học để có bằng cấp cao của người học.

Nhiều trường tuyển sinh thoáng để kéo người học thạc sĩ, tiến sĩ

Toàn cảnh hội thảo diễn ra hôm nay 6-11 tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Nhận định trên được nhiều chuyên gia nêu ra tại hội thảo khoa học "Công tác tuyển sinh sau đại học tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM - thực trạng và giải pháp" do nhà trường tổ chức hôm nay 6-11.

Nhiều trường hợp "học giả, bằng thật"

Theo ThS Phạm Trường Thọ - phó trưởng phòng sau đại học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), vào những năm 2000 cho đến cách đây 5 năm, trường này luôn có lượng thí sinh dự tuyển đầu vào sau đại học khá lớn (hơn 1.500 thí sinh/năm).

Tuy nhiên khoảng 5 năm gần đây, lượng thí sinh dự tuyển bậc sau đại học ngày càng thấp (dưới 1.000 thí sinh/năm), số thí sinh đăng ký dự tuyển có dấu hiệu bão hòa.

Lý giải về điều này, ông Thọ cho rằng: "Việc đánh giá chất lượng đầu vào của trường chúng tôi cao, quá trình đào tạo đòi hỏi người học phải đầu tư học tập nhiều cũng tạo ra tâm lý e ngại đối với người dự tuyển".

Nhiều chuyên gia khác cũng nhận định đối tượng tuyển sinh sau đại học hầu hết là người đã có việc làm, mục tiêu học sau đại học không phải để nâng cao trình độ mà chỉ để có bằng cấp cao nên nhiều người tìm đến các cơ sở đào tạo "nhẹ nhàng"…

Trong khi đó, ngày càng nhiều trường mở đào tạo sau đại học, một số trường vì muốn thu hút thí sinh đã đưa ra những tiêu chí và quy định phần nào "thoáng", "nhẹ nhàng" hơn, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong tuyển sinh.

Từ một góc nhìn khác, TS Hà Trọng Thà - Trường ĐH An ninh nhân dân, cho rằng chuẩn đầu vào và đầu ra ngoại ngữ của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân rất chặt chẽ và đánh giá thực chất trình độ người học. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều học viên không có khiếu học ngoại ngữ, làm đề tài xong nhưng không bảo vệ được hoặc bảo vệ đề tài rồi nhưng không được cấp bằng vì chưa đạt chuẩn ngoại ngữ, từ đó học viên buồn, mệt mỏi và chán nản.

"Nhà trường cần linh hoạt hơn trong đánh giá trình độ ngoại ngữ của học viên nhưng không làm giảm chất lượng đào tạo", ông Thà kiến nghị.

Đẩy mạnh đào tạo tích hợp, liên thông cử nhân - thạc sĩ

Theo TS Dương Minh Quang - phó trưởng khoa giáo dục Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, thực trạng khó khăn trong tuyển sinh sau đại học hiện nay của trường do sự cạnh tranh ngày càng sâu rộng của các trường đại học tư thục với các phương thức tuyển sinh linh hoạt, đa dạng.

Các trường đại học nước ngoài với sự hỗ trợ chi phí học tập và sinh hoạt cho thí sinh trúng tuyển và các chính sách đãi ngộ hấp dẫn thu hút học viên lựa chọn đi du học thay vì học trong nước.

TS Dương Minh Quang kiến nghị cần thay đổi phương thức đào tạo tích hợp cử nhân - thạc sĩ theo mô hình 4+1; mở các ngành đào tạo trình độ thạc sĩ có tính liên ngành giúp học viên linh hoạt tham gia thị trường lao động.

ThS Phạm Trường Thọ đề nghị: "Cần nhanh chóng đẩy mạnh chương trình liên thông từ trình độ đại học lên sau đại học, tiếp tục mạnh dạn mở ngành đào tạo mới, đặc biệt cần thí điểm các ngành xã hội đang cần. Không vì chạy theo lợi nhuận mà giảm đi chất lượng đào tạo.

Đồng thời, trường cần kiến nghị Bộ GD-ĐT giám sát hoạt động tuyển sinh và chất lượng đào tạo tại các trường, để không còn các trường hợp ‘học giả, bằng thật’ tương đối phổ biến hiện nay".

Theo TRẦN HUỲNH
Tuổi Trẻ Online

...