Chính trị - Xã hộiThế giớiPháp luậtKinh tếSống khỏeGiáo dụcThể thaoVăn hóa - Giải tríNhịp sống trẻNhịp sống sốBạn đọcDu lịchCần biếtCơ hội mua sắmDanh bạ trường họcTUOITRENEWSTUỔI TRẺ CUỐI TUẦNTUỔI TRẺ CƯỜITUỔI TRẺ TVTỦ SÁCH

Hơn 200 nhà khoa học tham dự Hội thảo IUKM 2016

15/12/2016 12:12 GMT+7

Một thế giới luôn tràn ngập thông tin, dữ liệu có thể không chính xác hoặc không chắc chắn đã "gây khó” cho chính các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp… trong việc giải quyết các vấn đề của xã hội.

Trước vấn đề vừa mang tính thực tế vừa mang tính nghiên cứu đó, Đại học (ĐH) Duy Tân vừa phối hợp với Viện Khoa học & công nghệ tiên tiến Nhật Bản (JAIST) đồng tổ chức hội thảo quốc tế lần thứ 5 “The International Symposium on Integrated Uncertainty in Knowledge Modelling and Decision Making” hay “Hội thảo quốc tế về sự không chắc chắn tích hợp trong mô hình hóa tri thức và ra quyết định” - IUKM 2016 từ ngày 30-11 đến 2-12-2016.

Phát biểu tại hội thảo, TS Võ Thanh Hải, phó hiệu trưởng ĐH Duy Tân, cho biết: “Mỗi cá nhân, tập thể sẽ rất khó khăn trong việc đưa ra quyết định giải quyết một vấn đề quan trọng khi chưa nắm trong tay nguồn thông tin cụ thể và đáng tin cậy. Hội thảo này mong muốn sẽ tạo ra một diễn đàn chung để các nhà khoa học trong nước và quốc tế trao đổi, tìm tòi và công bố các nghiên cứu ứng dụng mới nhất trong vấn đề thu thập, xử lý và tích hợp thông tin cho những bài toán phức tạp trong thực tế”

Đông đảo quan khách, nhà khoa học trong nước và quốc tế đến tham dự hội thảo

Đông đảo các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực này đến từ Pháp, Ba Lan, Nhật Bản, Việt Nam... đã trình bày các báo cáo đại chúng như: “Các biện pháp hỗ trợ chứng cứ cho việc lập luận có sự không chắc chắn tích hợp: Bài học từ việc cấm các trị số P trong suy luận thống kê”, “Quản lý sự không chắc chắn và hỗ trợ ra quyết định”, “Soft clustering và sự phân loại”, “Các ứng dụng máy học: Quá khứ, hiện tại và tương lai”, “Các hệ thống tự quản: khả năng và thách thức”, “Các ứng dụng y sinh học và hình ảnh”, “Khai thác dữ liệu và ứng dụng”… đã giúp người nghe có góc nhìn toàn diện hơn về các mô hình, các kỹ thuật để quản lý và tích hợp các nguồn dữ liệu.

Hơn 200 đại biểu, trong đó có 50 đại biểu quốc tế đến từ các nước Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Áo... đã về tham dự hội thảo và đón nhận một số lượng lớn với 78 bài báo gửi đến hội thảo. Trong đó, 57 bài báo tốt nhất đã được lựa chọn đăng tải trên kỷ yếu được Nhà xuất bản Springer biên soạn, ấn hành và xuất bản độc quyền.

Trong suốt ba ngày diễn ra hội thảo, các nhà khoa học đã nêu lên và tìm hướng đi mới trong việc giải quyết nhiều các vấn đề lớn như: (1) các hình thức về sự không chắc chắn: xác suất Bayes, thuyết Dempster-Shafer, xác suất không chính xác, bộ ngẫu nhiên, bộ thô, tập hợp “mờ” và phương pháp khoảng; (2) mô hình hóa sự không chắc chắn và mâu thuẫn trong các bộ dữ liệu lớn; (3) logic cho lý luận khi không chắc chắn; (4) tổng hợp thông tin và tích hợp tri thức trong môi trường không chắc chắn; (5) ra quyết định khi không chắc chắn; (6) tập hợp toán tử cho việc ra quyết định; (7) Copulas cho mô hình ràng buộc; (8) tính toán Granular và tính toán mềm và (9) trí tuệ tính toán.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Thanh, giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP Đà Nẵng, khẳng định: “Đà Nẵng là một trong những thành phố luôn thúc đẩy phát triển mạnh mẽ lĩnh vực CNTT cũng như ứng dụng hiệu quả các nghiên cứu vào đời sống xã hội sâu rộng nhất cả nước. Sự phát triển mạnh mẽ về CNTT đã giúp Đà Nẵng có kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 58 triệu USD, đồng thời được Chính phủ đánh giá cao về mô hình chính quyền điện tử. Để thực hiện được những điều này có sự đóng góp của nhiều trường đại học, đặc biệt trong đó có ĐH Duy Tân - đơn vị đã cung cấp một lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng cao về CNTT trong nhiều năm qua. Hội thảo IUKM 2016 là một hoạt động thực sự ý nghĩa và cần thiết để chia sẻ kết quả nghiên cứu, tăng cường hợp tác, đồng thời thúc đẩy việc nghiên cứu phát triển các phương pháp luận mới, những kỹ thuật hiệu quả để quản lý và tích hợp các nguồn dữ liệu”. “Với riêng TP Đà Nẵng thì đây là cơ hội giúp tiếp cận các sáng kiến, các nghiên cứu từ các nhà khoa học góp phần thực hiện giai đoạn 2 của Mô hình chính quyền điện tử với việc quản trị, điều hành theo xu thế của một “thành phố thông minh”” - ông Thanh cho biết thêm

Được biết, Đại học Duy Tân và Viện Khoa học & công nghệ tiên tiến Nhật Bản (JAIST) đã đồng ý sẽ biến hội thảo này thành một hoạt động thường niên của trường cho những năm tới.

PGS TS Huỳnh Văn Nam (hàng trên, đầu tiên bên phải) trong Hội thảo IUKM 2016 tại ĐH Duy Tân

PGS.TS Huỳnh Văn Nam với vai trò sáng lập Hội thảo IUKM và đồng thời là trưởng ban chương trình hội thảo IUKM 2016 đã giới thiệu nhiều kết quả nghiên cứu tại hội thảo.

PGS.TS Huỳnh Văn Nam bảo vệ luận án tiến sĩ toán học tại Viện CNTT - Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam năm 1999, từng giảng dạy tại ĐH Chiang Mai (Thái Lan), ĐH Tsukuba (Nhật Bản) và ĐH Quy Nhơn (Việt Nam).

Hiện tại PGS.TS Huỳnh Văn Nam đang giảng dạy và nghiên cứu tại Viện Khoa học và kỹ thuật tiên tiến Nhật Bản. Ông từng giành giải “Bài báo xuất sắc nhất" (Best Paper Award) tại nhiều hội thảo quốc tế uy tín, như: Hội thảo “Symposium Soft Computing, Computational Intelligence, Fuzzy Systems, Neutral Networks, Learning of CASYS' 2003” tại Bỉ vào năm 2003 và Hội thảo “Symposium ANTICIPATORY, FUZZY, SEMANTIC AND LINGUISTIC SYSTEM of CASYS'99, Liege” tại Bỉ năm 1999.

Ông là tác giả và đồng tác giả của 12 đầu sách được xuất bản bởi Nhà xuất bản Springer như: “Causal Inference in Econometrics”, “Integrated Uncertainty in Knowledge Modelling and Decision Making”, “Econometrics of Risk”... Hiện tại PGS.TS Huỳnh Văn Nam đã có hơn 50 công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín.

...