Chính trị - Xã hộiThế giớiPháp luậtKinh tếSống khỏeGiáo dụcThể thaoVăn hóa - Giải tríNhịp sống trẻNhịp sống sốBạn đọcDu lịchCần biếtCơ hội mua sắmDanh bạ trường họcTUOITRENEWSTUỔI TRẺ CUỐI TUẦNTUỔI TRẺ CƯỜITUỔI TRẺ TVTỦ SÁCH

Vừa vào đại học đã muốn chuyển ngành, phải làm sao?

08/06/2021 11:31 GMT+7

Không ít tân sinh viên vừa lên đại học, bước vào giảng đường mới "ồ” lên rằng mình không hợp với ngành học đã chọn. Do đó, đã có không ít sinh viên chán nản bỏ học, một số thi lại và số khác chọn cách chuyển ngành...

Theo thống kê của các trường ĐH, hằng năm hầu như trường nào cũng ghi nhận các sinh viên có nguyện vọng chuyển ngành học. Thậm chí có trường con số này lên đến hàng trăm sinh viên.

Học 2 tháng đã thấy "ngán”

Lê Văn Toàn - sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - tận hưởng niềm vui trúng tuyển vào ngành ngôn ngữ Anh của trường chưa đầy 2 tháng đã có quyết định gây “sốc”. Sau thời gian ngắn học ở khoa, Toàn cảm thấy không thích hợp. “Mình đã dành thời gian tìm hiểu ngành học, trường học khá nhiều nhưng đến khi vào thực tế mình thấy khác quá. Có lúc mình như muốn ngộp thở, như không tiếp thu được bất cứ gì trong môi trường lớp học, người ta chỉ nói tiếng Anh ngày này qua ngày khác. Cảm giác đó chỉ khi tiếp xúc thực tế mình mới thực sự hiểu” - Toàn nói.

Cũng như Toàn, trúng tuyển ĐH với nhiều bạn trẻ không dễ dàng, nhưng lạ ở chỗ, sau khi bước chân vào giảng đường có không ít người mong muốn được chuyển ngành. Thời điểm lý tưởng nhất cho sinh viên nộp đơn xét chuyên ngành là sau học kỳ đầu tiên hoặc hết năm thứ nhất. Nhưng mọi chuyện không hề dễ dàng. Như bạn Toàn muốn chuyển sang ngành du lịch ngay tại trường nhưng không đủ điều kiện. Tiến thoái lưỡng nan, Toàn giấu gia đình, quyết định bảo lưu kết quả học tập và tự mình ôn thi lại đại học năm sau. Gia đình vẫn nghĩ "Toàn đang học ngôn ngữ Anh, nhưng thực chất bạn không đến trường mà cứ ở ký túc xá hằng ngày ôn luyện cho kỳ thi sang năm. “Có nhiều rủi ro nhưng cũng phải chịu thôi, vì mình đã quyết định rồi - Toàn nói - Cũng may là kỳ thi đại học năm sau mình đã đủ điểm vào ngành du lịch như nguyện vọng”.

Vừa vào đại học đã muốn chuyển ngành, phải làm sao?

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng tư vấn cho học sinh về việc chọn ngành học trong Chương trình Tư vấn Tuyển sinh - Hướng nghiệp 2021 Nguồn: Internet)

Làm gì khi biết mình chọn sai ngành?

Trong buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại tỉnh Bình Thuận, bạn Phạm Huỳnh Hạ Vy (học sinh lớp 12B2 Trường THPT Lý Thường Kiệt) nêu hai câu hỏi: “Giả sử khi đã trúng tuyển nhưng sau một thời gian học mới phát hiện mình chọn nhầm ngành học thì phải làm gì? Vấn đề cân nhắc giữa năng lực và đam mê khi chọn ngành, nếu có đam mê nhưng không đủ năng lực hoặc có năng lực nhưng lại không đam mê thì chọn ra sao?”.

Tư vấn cho nữ sinh này, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM - cho biết đây là băn khoăn của phần lớn học sinh và cả sinh viên trong nhiều năm nay. Theo thầy Hùng, hiện nay các trường đại học đào tạo nhiều ngành, một số trường cho phép sinh viên được chuyển sang ngành học khác nếu đủ điểm tuyển sinh đầu vào của ngành đó. Sinh viên cũng có thể chọn học thêm ngành thứ hai với điều kiện đáp ứng một số yêu cầu về kết quả học tập theo quy định của trường. “Trong chọn ngành, trước hết phải chọn ngành mình đam mê. Nếu không đam mê thì sẽ không hoàn thành tốt việc học được. Bên cạnh đam mê cũng cần xét tới yếu tố năng lực học tập và tài chính. Nếu em đam mê ngành hot, điểm cao nhưng học lực trung bình hoặc muốn vào trường có học phí cao trong khi hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn thì lựa chọn đó sẽ không phù hợp. Hiện nay, một ngành học được đào tạo ở rất nhiều trường khác nhau. Nếu điểm không đủ sức vào trường tốp trên có thể chọn trường tốp dưới. Tôi khuyên các em nên chọn ngành mình yêu thích, có đam mê để học...” - thầy Hùng nói.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM - cũng cho hay thực tế có rất nhiều em vào học đại học mới phát hiện mình chọn sai ngành, tạo ra tâm lý chán nản. Bên cạnh đó, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay làm cơ cấu ngành nghề thay đổi rất nhanh, dẫn đến nhu cầu nhân lực của từng vị trí công việc cũng thay đổi. Quy chế đào tạo hiện nay cho phép sinh viên được chuyển trường nếu được sự đồng ý của hiệu trưởng của hai trường. Đồng thời điểm trúng tuyển đầu vào của sinh viên phải cao hơn (cùng tổ hợp) điểm chuẩn ngành muốn chuyển sang.

Cho sinh viên chuyển ngành: Mỗi trường mỗi kiểu

Theo TS Phạm Tấn Hạ - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - hằng năm những sinh viên muốn chuyển ngành học ở trường chủ yếu là do chọn sai ngành. Khi đó, điều chỉnh ngành học là một trong nhiều giải pháp. Tuy nhiên, khi thực hiện cần đảm bảo đúng theo những quy định, đảm bảo công bằng với các sinh viên khác và lý do chuyển ngành phải thật sự xác đáng, như nghiêm túc xác định mình không phù hợp với ngành học đầu tiên.

Theo quy chế đào tạo của ĐH Quốc gia TP.HCM, tùy điều kiện cụ thể, các trường có thể ra quyết định công nhận chuyển ngành trong phạm vi nếu không phải trường hợp từng tham dự kỳ thi chung nhưng không trúng tuyển hoặc có điểm thi thấp hơn điểm chuẩn ngành chuyển đến; chuyển sang ngành cùng nhóm ngành, đã tích lũy đủ số tín chỉ theo học kỳ và có học lực từ trung bình khá trở lên. Dù vậy, các trường sẽ có quy định không giống nhau. Chẳng hạn, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) chỉ cho sinh viên chuyển đổi giữa các chương trình trong cùng ngành như đại trà, tiên tiến, chất lượng cao... ThS Phùng Quán, Trưởng Phòng Thông tin - Truyền thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, cho hay: “Hiện nay ĐH Quốc gia TP.HCM có đào tạo song ngành, cho phép sinh viên học thêm ngành thứ 2 ở cùng trường hoặc trường thành viên khác sau 1 năm học với các điều kiện về kết quả học tập hoặc cũng có thể học bằng 2 sau khi tốt nghiệp”.

Trong khi các trường tư thục cũng có những quy định riêng nhưng nhìn chung “thoáng” hơn. Một số trường, nếu sinh viên có nguyện vọng chuyển ngành có thể được xem xét nếu có đủ các điều kiện sau: Không thuộc diện buộc thôi học, còn trong thời hạn học tập; được chuyển ngành một lần trong khóa học và thực hiện trong thời gian học của 4 học kỳ đầu tiên và kể từ học kỳ 2 trở đi, có điểm trúng tuyển đầu vào theo khối của ngành đang học không thấp hơn điểm tuyển sinh đầu vào theo khối của ngành chuyển đến, trong cùng năm tuyển sinh, cùng nguyện vọng. Ngoài ra, nhà trường yêu cầu việc chuyển ngành của sinh viên không gây ảnh hưởng xáo trộn việc tổ chức các lớp và được sự đồng thuận của các lãnh đạo khoa khi đã qua tư vấn hướng nghiệp lại.

Những điều cần lưu ý

TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM - cũng cho biết, nhà trường chấp nhận cho sinh viên chuyển ngành nếu đáp ứng được quy định do từng trường đặt ra, như có lý do chính đáng, ngành muốn chuyển đến còn chỉ tiêu, điểm trúng tuyển đầu vào ĐH không thấp hơn điểm chuẩn của ngành... Ngoài ra, khi được chấp thuận sang ngành mới, sinh viên sẽ được xét bảo lưu điểm các môn học đã học có nội dung, khối lượng kiến thức tương đương. Cần lưu ý, thời gian tối đa sinh viên được phép theo học trong ngành mới được tính kể từ ngày sinh viên nhập học ngành đầu tiên.

Theo CNTS của báo Tuổi Trẻ

...