" />" />" />
Chính trị - Xã hộiThế giớiPháp luậtKinh tếSống khỏeGiáo dụcThể thaoVăn hóa - Giải tríNhịp sống trẻNhịp sống sốBạn đọcDu lịchCần biếtCơ hội mua sắmDanh bạ trường họcTUOITRENEWSTUỔI TRẺ CUỐI TUẦNTUỔI TRẺ CƯỜITUỔI TRẺ TVTỦ SÁCH

Đủ chuẩn đầu vào ngoại ngữ mới được học chuyên môn

22/04/2020 12:04 GMT+7

Bộ GD-ĐT đã chính thức "khai tử” chứng chỉ ngoại ngữ A-B-C, loại chứng chỉ có không ít trường quy định chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên (chứng chỉ B). Với việc này chắc chắn sinh viên sẽ "mắc kẹt”, do không đủ năng lực ngoại ngữ để ra trường.

Đủ chuẩn đầu vào ngoại ngữ mới được học chuyên môn

Học ngoại ngữ giúp sinh viên bổ sung kiến thức để đủ năng lực học chuyên môn (Nguồn: Internet)

Chứng chỉ ngoại ngữ A-B-C chính thức bị bãi bỏ bằng việc dừng kiểm tra và cấp các chứng chỉ từ ngày 15-1-2020. Việc tổ chức thi, cấp chứng chỉ sẽ thực hiện theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Những năm gần đây, một số trường công bố chuẩn đầu ra ngoại ngữ theo chứng chỉ quốc tế (TOEIC, IELTS...) nhưng thực tế, vẫn có nhiều trường yêu cầu sinh viên đạt trình độ B. Theo đó, sinh viên có thể chọn học ngoại ngữ do trường tổ chức hoặc tự học bên ngoài rồi thi lấy chứng chỉ nộp cho trường để được xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có nhiều sinh viên không đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ nên không thể ra trường.

Học tiếng Anh trước  

Trong khi đó, từ năm học 2015-2016, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã áp dụng quy định sinh viên năm 1 phải học tăng cường tiếng Anh, đạt 400 điểm TOEIC mới vào học chuyên môn. Đây là trường ĐH đầu tiên và duy nhất hiện nay trên cả nước áp dụng quy định này. Nhiều tân sinh viên của trường cho biết suốt năm 1 họ chỉ học một môn duy nhất là tiếng Anh. Nguyễn Tường Nhân - sinh viên năm 1 Khoa Quản trị Kinh doanh Quốc tế - cho hay điểm thi môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 Nhân đạt 7,6 điểm nhưng khi làm bài kiểm tra năng lực đầu vào tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng không đạt nên phải học hai học phần tiếng Anh dự bị. “Hiện mình chỉ học tiếng Anh dự bị mỗi ngày tại trường. Học lớp này mình được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, buộc phải giao tiếp bằng tiếng Anh nên năng lực tiếng Anh cải thiện hơn” - Nhân chia sẻ.   

Theo ThS Trần Thị Nguyệt Sương - Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng nhà trường, từ năm 2008 trường đã công bố chuẩn đầu ra ngoại ngữ bậc ĐH TOEIC 500 điểm. Đến năm 2016, trường điều chỉnh chuẩn đầu ra tiếng Anh IELTS 5.0. “Sự thay đổi này do trường áp dụng chương trình đào tạo top 100 trường ĐH tốt nhất thế giới vào giảng dạy đại trà. Việc này đòi hỏi sinh viên phải có năng lực ngoại ngữ cả bốn kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết)” - bà Sương chia sẻ.

Hiện nhà trường đang dạy ba chương trình với yêu cầu ngoại ngữ đầu ra khác nhau: đào tạo tiêu chuẩn (IELTS 5.0); chất lượng cao, 50% môn học dạy bằng tiếng Anh (IELTS 5.5); giảng dạy 100% tiếng Anh (IELTS 6.0). Từ chuẩn đầu ra này, trường kiểm tra đầu vào năng lực ngoại ngữ tất cả tân sinh viên đầu khóa, theo bài kiểm tra Placement test (Cambridge) để xếp lớp tiếng Anh. Chương trình đào tạo tiếng Anh có hai phần: tiếng Anh dự bị (3 học phần, 5 tín chỉ/1 học phần) và tiếng Anh chính thức (3 học phần/15 tín chỉ). Bà Sương cho biết thêm: “Phần tiếng Anh dự bị sẽ không tính vào điểm tích lũy. Lẽ ra, học sinh tốt nghiệp THPT phải đủ năng lực tiếng Anh chuẩn bị để học chương trình chính thức ở bậc ĐH, nhưng thực tế rất nhiều sinh viên không đạt. Vì vậy, trường đưa ra quy định sinh viên phải hoàn thành chương trình tiếng Anh dự bị mới được học chuyên môn chính thức”.

Không đủ năng lực tiếng Anh không thể học chuyên môn

Mỗi học kỳ, nhà trường đều chạy dữ liệu để theo dõi tình hình học ngoại ngữ của sinh viên toàn trường. Theo quy định của trường, khi sinh viên đã học chương trình chính, trong 2 năm đầu tiên phải đạt chuẩn đầu ra. Trong quá trình học, nếu sinh viên thi đạt chứng chỉ quốc tế theo chuẩn đầu ra sẽ được miễn toàn bộ học phần tiếng Anh. “Theo chương trình top 100, toàn bộ giáo trình và tài liệu chính đều bằng tiếng Anh. 100% slide bài giảng các môn chuyên ngành đều bằng tiếng Anh. Các môn giảng dạy bằng tiếng Anh sinh viên phải thi bằng tiếng Anh. Vì vậy, nếu trường cho phép sinh viên không đủ chuẩn ngoại ngữ được đăng ký học các môn chuyên ngành, các em cũng không học được” - bà Sương nói.

Trong khi đó, ThS Trịnh Thái Văn Phúc - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ngôn ngữ Sáng tạo - cũng cho biết nhiều sinh viên mới vào trường rất sợ môn tiếng Anh, không ít bạn phải học và thi lại tiếng Anh nhiều lần mới đạt chuẩn để tiếp tục được học các môn chuyên ngành. “Với các sinh viên đến học kỳ 1 của năm thứ 2 nếu vẫn chưa đạt chuẩn tiếng Anh thì không được đăng ký học chuyên ngành, chúng tôi thường phải kèm riêng cho từng em” - ông Phúc cho biết.  

Thời phổ thông, Đặng Thanh Phúc - sinh viên năm 3 khoa điện - rất sợ môn tiếng Anh. Khi trúng tuyển vào Trường ĐH Tôn Đức Thắng, sau kỳ kiểm tra ngoại ngữ đầu vào, Phúc được xếp vào lớp tiếng Anh dự bị 2. “Tôi thấy trường quy định sinh viên phải đủ chuẩn tiếng Anh mới được học chuyên môn là hợp lý. Bản thân tôi nếu vô học ngay các môn chuyên ngành với tài liệu bằng tiếng Anh chắc chắn sẽ không hiểu gì và ngay cả đến cuối khóa vẫn không thể đạt chuẩn” - Phúc chia sẻ.

Gần 50% không đủ năng lực ngoại ngữ để học chuyên môn

Khóa tuyển sinh 2019 của Trường ĐH Tôn Đức Thắng có 48,7% sinh viên phải học tiếng Anh dự bị, sau một học kỳ tỉ lệ này giảm còn 27,3%. Khóa tuyển sinh 2015 tốt nghiệp, hiện nay chỉ còn 0,002% sinh viên chưa đạt các học phần tiếng Anh dự bị (trường đang phụ đạo riêng cho nhóm này). Trong đợt ra trường tháng 9-2017, 38,3% sinh viên đạt TOEIC quốc tế từ 600 điểm trở lên; 12,3% sinh viên đạt từ 700 trở lên; 45 sinh viên đạt trên 800 điểm. Đặc biệt, trong đó có nhiều sinh viên đạt TOEIC 900 - 960.

Theo CNTS của báo Tuổi Trẻ

...