Thí sinh cân nhắc kỹ học phí trước khi đưa ra quyết định chọn trường đại học
Từ nay đến 30/7, thí sinh thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học và cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2023 trên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục & Đào tạo.
Quyết định ngành và trường xét tuyển ở giai đoạn này gắn liền với quyết định nhập học của thí sinh. Một trong những cơ sở lựa chọn quan trọng để nhập học là thí sinh cần tìm hiểu, cân nhắc kỹ lưỡng các trường có mức học phí phù hợp, tham khảo thông tin cập nhật về chính sách học bổng, hỗ trợ người học.
Công khai học phí ảnh hưởng đến quyết định chọn trường của thí sinh
Sau 2 năm các trường ĐH, CĐ không tăng học phí do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, năm 2023, nhiều trường dự kiến tăng học phí theo lộ trình, thực hiện theo Nghị định 81 của Chính phủ về quản lý học phí. Điều này tạo điều kiện cho các trường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy.
Trong đợt đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống của Bộ Giáo dục & Đào tạo, việc công khai sớm học phí được nhiều thí sinh quan tâm, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định chọn trường của thí sinh
Trong bối cảnh học phí của nhiều trường được điều chỉnh, việc chọn trường, chọn ngành học có mức học phí phù hợp khả năng chi trả đang là vấn đề được nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm, đặc biệt sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT và bắt đầu đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống của Bộ Giáo dục & Đào tạo.
Bạn Trần Xuân Tùng - Học sinh THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà, Hà Tĩnh) cho biết: "Em và gia đình đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, so sánh học phí và các chính sách hỗ trợ người học của nhiều trường ĐH có ngành mà em yêu thích. Do học ĐH là một chặng đường khá dài nên em cũng đắn đo rất nhiều khi đưa ra quyết định, bởi số tiền mà gia đình em phải chi trả cũng rất lớn, không chỉ tiền học mà còn sinh hoạt phí và nhiều chi phí phát sinh khác".
Tránh gây "sốc" khi tăng học phí
Theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ, từ năm học 2022 – 2023, học phí của các trường tự chủ tài chính sẽ có thể điều chỉnh theo hướng tăng nhưng cần tính đến điều kiện và khả năng chi trả của người học. Theo đó, với các ĐH công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên, mức học phí dao động 14,1 - 27,6 triệu đồng/năm học tùy ngành; với các trường ĐH bảo đảm chi thường xuyên được thu mức học phí tối đa bằng 2 lần mức trên; với các trường đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư có thể có mức học phí gấp 2,5 lần; riêng các chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục & Đào tạo hoặc theo tiêu chuẩn nước ngoài, các trường ĐH được xác định học phí nhưng phải công khai với người học.
Năm 2023, nhiều trường công lập dự kiến tăng học phí so với năm cũ. Trường ĐH Ngoại thương tăng 10% so với học phí của năm học 2022 - 2023, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) thông báo mức học phí 30 triệu đồng/năm với chương trình trình chuẩn, tăng 2,5 triệu đồng so với năm 2022. Chương trình chuẩn của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM thông báo mức học phí 7,05 triệu đồng/học kỳ (tăng nhẹ so với năm ngoái), chương trình ĐH chính quy chất lượng cao gần 18 triệu đồng/học kỳ.
Đối với các trường tư thục, Trường ĐH FPT thông báo mức học phí 28,7 triệu đồng/học kỳ (tăng khoảng 3 triệu/học kỳ so với khóa cũ). Trường ĐH Công nghệ TP.HCM thông báo mức học phí 16 - 20 triệu đồng/học kỳ, đơn giá mỗi tín chỉ hệ ĐH chính quy tăng từ 1.130.000 đồng/tín chỉ lên 1.300.000 đồng/tín chỉ.
Nhiều trường đào tạo khối ngành sức khỏe đồng loạt tăng học phí nhưng cũng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu dạy và học của sinh viên
Riêng các ngành thuộc khối sức khỏe, các trường đồng loạt tăng học phí, có ngành tăng gấp 4 lần so với năm 2022. Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) thông báo học phí dao động từ 40 - 55 triệu đồng/năm học, tăng 3 - 6 triệu so với năm ngoái. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng thông báo học phí ngành Răng - Hàm - Mặt, Y Đa khoa là 180 triệu đồng/năm, Y học Cổ truyền là 90 triệu đồng/năm, ngành Dược học 60 triệu đồng/năm...
Trong bối cảnh đó, một số ít trường lựa chọn phương án giữ nguyên học phí cho sinh viên (SV) khóa mới như Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Văn Hiến, Trường ĐH Mỏ - Địa chất…
Riêng Trường ĐH Văn Lang mới đây thông báo giữ bình ổn học phí với tân SV khóa tuyển sinh 2023, không tăng mức đơn giá tín chỉ so với khóa nhập học trước. Đơn giá tín chỉ ĐH tại trường dao động trung bình 1 - 1,8 triệu đồng với đa số các ngành học. Một số ngành đặc thù được đầu tư cao về cơ sở vật chất hoặc chương trình trải nghiệm như: Răng Hàm Mặt, Y khoa, Dược học... sẽ có mức học phí cao hơn. SV đóng học phí theo từng học kỳ dựa trên số tín chỉ đăng ký trong học kỳ đó.
Tuy bình ổn học phí, Trường ĐH Văn Lang tiếp tục đầu tư mạnh cho cơ sở vật chất trong năm học tới, khởi công 4 tòa nhà mới để hoàn thiện khu phức hợp giáo dục tại TP.HCM
Bên cạnh thông tin học phí, nhiều trường ĐH khác cũng công bố thông tin các gói học bổng và ưu đãi học phí hỗ trợ tốt cho người học như: Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, UEF… Trong thông báo mới, Trường ĐH Văn Lang cũng công bố chính sách học bổng tuyển sinh với tổng trị giá hơn 20 tỉ đồng dành cho học sinh tài năng.
Giảm áp lực học phí cho phụ huynh và thí sinh, nhiều trường đại học công bố các chính sách học bổng, hỗ trợ dành cho tân sinh viên nhập học năm 2023
Học phí phải đi cùng chất lượng PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống - Chuyên gia giáo dục, Trưởng ngành Kỹ thuật Hàng không Trường ĐH Văn Lang - cho biết: "Ở bậc ĐH, SV sau khi tốt nghiệp, đi làm sẽ có thu nhập nên các gia đình cũng đầu tư vào giáo dục ĐH cho các em. Việc thu học phí ở ĐH là hợp lý, mức học phí cao sẽ tương đồng với chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, cơ sở vật chất… của nhà trường". |
Tag: