Chính trị - Xã hộiThế giớiPháp luậtKinh tếSống khỏeGiáo dụcThể thaoVăn hóa - Giải tríNhịp sống trẻNhịp sống sốBạn đọcDu lịchCần biếtCơ hội mua sắmDanh bạ trường họcTUOITRENEWSTUỔI TRẺ CUỐI TUẦNTUỔI TRẺ CƯỜITUỔI TRẺ TVTỦ SÁCH

Bộ GD-ĐT lý giải vì sao điểm chuẩn năm 2021 tăng 'chóng mặt'

20/09/2021 16:09 GMT+7

TTO - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết do số thí sinh đăng ký xét tuyển tăng, điểm thi tăng... nên điểm chuẩn năm nay tăng là bình thường.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 - Ảnh: NAM TRẦN

Năm 2021 số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT là hơn 1 triệu thí sinh, tăng hơn 11% so với năm ngoái. Trong đó số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ là 795.000, tăng 24% so với năm 2020. Chỉ tiêu xét theo kết quả thi THPT giữ ổn định (lúc đầu giảm, nhưng sau được điều chỉnh tăng lên).

Năm nay điểm chuẩn của các trường được đánh giá là tăng "chóng mặt". Lý giải cho hiện tượng này Bộ GD-ĐT cho biết điểm chuẩn tăng vì những lý do sau: điểm bài thi tiếng Anh tăng; số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển tăng mạnh (số trẻ sinh năm 2003 tăng, xu hướng chọn học ĐH tăng); giới hạn chỉ tiêu của các trường tốp trên; xu hướng chọn ngành (tác động của nền kinh tế trong điều kiện dịch bệnh).

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, mùa tuyển sinh năm nay là một năm đặc biệt, bởi chúng ta phải tổ chức hai đợt thi vì lý do dịch bệnh.

"Dựa trên số thí sinh tuyển được, trên tổng số chỉ tiêu, chúng tôi thấy tuyển sinh năm 2021 có tiến bộ đáng kể so với năm 2020.

Việc tăng điểm chuẩn của một số ngành là do những nguyên nhân sau: Số thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT tăng 11% so với năm 2020. Đặc biệt, số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ tăng 24%, có thể do nhiều em không đi du học, hoặc do xu hướng chọn ngành nghề... Điều này làm điểm chuẩn tăng vọt.

Các trường tốp trên điểm chuẩn tăng không nhiều lắm, chỉ tiêu không tăng, số thí sinh còn lại vào các trường tốp giữa tăng vọt. Khi tỉ lệ số thí sinh đăng ký trên số chỉ tiêu tăng hẳn như thế thì chuyện tăng điểm chuẩn là bình thường.

Ngoài ra là xu hướng chọn ngành năm nay có nhiều thay đổi. Tâm lý thí sinh trong điều kiện kinh tế - xã hội như thế này sẽ chọn ngành kỹ hơn mọi năm. Những nhóm ngành tăng điểm chuẩn của năm nay là kỹ thuật, công nghệ; khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, sau đó mới là kinh doanh, khoa học xã hội nhân văn... Ngoài ra, phân tích phổ điểm thi thì thấy môn tiếng Anh cải thiện so với năm 2020, góp phần làm tăng điểm chuẩn", ông Sơn nói.

Tuyển sinh năm 2021 có gì đặc biệt?

Tỉ lệ tuyển sinh/chỉ tiêu cao hơn hẳn so với năm 2020 ở tất cả các ngành.

- Số mã ngành tuyển sinh đạt từ 70% chỉ tiêu trở lên đạt trên 75%, tăng 9% so với 2020.

- Số ngành tuyển dưới 50% là 18%, giảm 9% so với 2020

Điểm chuẩn: Các trường tốp trên tiếp tục có điểm chuẩn các ngành ổn định hoặc tăng nhẹ, trong khi các trường tốp giữa có nhiều ngành bứt phá mạnh.

- Số ngành giữ nguyên hoặc tăng/giảm tới 3 điểm chiếm 86% (trong 3.259 mã ngành)

- Số ngành tăng từ 5 điểm trở lên là 8%, trong đó tăng từ 9-11 điểm là 30 ngành, chưa tới 1%

- Số ngành tăng từ 5 điểm trở lên (265): Riêng khối kỹ thuật - công nghệ (70) và sư phạm (64) đã chiếm tới 50%, sau đó tới khối kinh doanh & quản lý (42), xã hội nhân văn (32), pháp luật (10).

(Số liệu Bộ GD-ĐT cung cấp)

Theo Ngọc Diệp trên Tuổi Trẻ Online

...