Chính trị - Xã hộiThế giớiPháp luậtKinh tếSống khỏeGiáo dụcThể thaoVăn hóa - Giải tríNhịp sống trẻNhịp sống sốBạn đọcDu lịchCần biếtCơ hội mua sắmDanh bạ trường họcTUOITRENEWSTUỔI TRẺ CUỐI TUẦNTUỔI TRẺ CƯỜITUỔI TRẺ TVTỦ SÁCH

Môn Giáo Dục Công Dân: Vững lý thuyết, bài tập sẽ không đáng ngại

17/04/2020 11:26 GMT+7

Từ khi được đưa vào kỳ thi THPT quốc gia, môn Giáo dục Công dân (GDCD) luôn dẫn đầu về phổ điểm khá - giỏi; học sinh lựa chọn ban Khoa học Xã hội hầu hết đều có tâm lý khá nhẹ nhàng khi học môn GDCD.

Môn Giáo Dục Công Dân: Vững lý thuyết, bài tập sẽ không đáng ngại

Các thí sinh trong phòng thi (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, trước áp lực của kỳ thi cũng như phải học cùng lúc nhiều môn, các em dễ rơi vào trạng thái “tẩu hỏa nhập ma”, lo lắng thái quá dẫn đến quên trước quên sau. Vậy làm thế nào để bộ môn GDCD trở nên nhẹ nhàng mà điểm vẫn khả quan?

“Mã hóa” thành ngôn ngữ đời thường

Trước hết, các em cần tập trung khi học trên lớp. Với 9 bài trong chương trình lớp 12, lượng kiến thức không quá nặng. Song tất cả các bài đều liên quan đến pháp luật, các thuật ngữ khô khan, khó nhớ nên các em cần “mã hóa” thành ngôn ngữ đời thường hoặc theo ký hiệu của riêng cá nhân để dễ nhớ, dễ hiểu, dễ vận dụng. Chẳng hạn: Khi học về các hình thức thực hiện pháp luật, các em có thể nhớ có 4 hình thức là “Sử-Thi-Tuân-Áp”, trong đó Sử (Sử dụng) = Quyền; Thi (Thi hành) = Nghĩa vụ; Tuân (Tuân thủ) = Cấm (không làm điều cấm); Áp (Áp dụng) = Cơ quan. Mới đầu nghe hơi lạ nhưng sau nhiều lần vận dụng vào các câu trắc nghiệm các em sẽ nhận thấy “Sử-Thi-Tuân-Áp” rất dễ nhớ, dễ thuộc.

Qua 3 kỳ thi, số lượng câu hỏi trong phần “Sử-Thi-Tuân-Áp” khá nhiều. Do đó, việc nhớ và vận dụng được 4 đơn vị kiến thức nhỏ này khá quan trọng. Bên cạnh đó, để việc học pháp luật dễ nhớ, các em cần lấy các tình huống có thật trong thực tế áp dụng vào phần lý thuyết. Chẳng hạn để nhớ phần thi hành pháp luật, các em có thể xem các clip thanh niên lên đường nhập ngũ, nghĩa là đang thi hành pháp luật.

Xác định phần hỏi, lần lượt rà soát từng ý

Đối với phần câu hỏi tình huống: Phần này các em khá rối vì thứ nhất, đây là môn thi cuối, các câu hỏi tình huống nằm cuối bài, sau nhiều bài thi các em đã rất mệt mỏi, do đó sự tập trung bị hạn chế; thứ hai, trong các tình huống, nhân vật giả định được đưa ra rất nhiều như anh Q, anh N, chị H, chị T..., các em đọc xong bị rối, không xác định được đâu là trọng tâm. Bí quyết để làm tốt các câu này là các em đọc câu hỏi trước, xác định phần hỏi rồi lần lượt rà soát từng ý. Chẳng hạn, trong đề thi năm 2018, mã đề 301, câu 118 như sau:

* Vì con trai là anh C đã kết hôn nhiều năm mà không có con nên bà G mẹ anh đã thuyết phục con mình bí mật nhờ chị D vừa ly hôn mang thai hộ. Phát hiện việc anh C sống chung như vợ chồng với chị D là do bà G sắp đặt, chị H vợ anh đã tự ý rút toàn bộ tiền tiết kiệm của gia đình rồi bỏ đi khỏi nhà. Thương con, bà T mẹ chị H sang nhà thông gia mắng chửi bà G. Những ai dưới đây vi phạm quyền bình đẳng trong hôn nhân và gia đình?

A. Bà G, anh C, bà T, chị H.
B. Bà G, anh C, chị H, chị D
C. Bà G, chị D, anh C
D. Bà G, anh C, chị H

Với câu hỏi này, các em đọc câu hỏi trước: Những ai vi phạm quyền bình đẳng trong hôn nhân và gia đình? Khi đọc câu hỏi này, các em nhớ lại phần lý thuyết, trong hôn nhân và gia đình ở câu hỏi này có hai mối quan hệ là vợ - chồng, cha mẹ - con. Như vậy, việc bà T sang nhà thông gia chửi không có trong mối quan hệ này, ta loại ngay đáp án A có bà T. Vợ - chồng có hai mối quan hệ chính là quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản. Cả hai mối quan hệ này không liên quan chị D, do đó loại đáp án B, C. Còn lại đáp án D. Để chắc chắn đáp án này chính xác, các em rà soát lại: Bà G can thiệp vào mối quan hệ các con; anh C vi phạm quan hệ nhân thân và chị H vi phạm quan hệ tài sản (lấy hết tài sản chung của gia đình). Các em làm từng bước như vậy sẽ không bị rối và không bỏ sót đáp án.

Năm học 2018-2019 đề thi có sử dụng một số câu hỏi ở chương trình khối 11 và năm học 2019-2020 sẽ có thêm một vài câu hỏi ở chương trình khối 10. Tuy nhiên, trọng tâm vẫn nằm ở khối 12, do đó, các em cần tập trung chương trình lớp 12, còn chương trình 10, 11 các em nên luyện tập các câu trắc nghiệm song song với việc ôn lại lý thuyết để không quên kiến thức.

Việc ôn tập để có lượng kiến thức phong phú và kỹ năng làm bài tốt không thể ngày một ngày hai, do đó, các em cần phân bổ thời gian học tập hợp lý, tránh tình trạng dồn bài gần ngày thi mới học sẽ khó có thể hiểu sâu và nhớ lâu vấn đề. Cần phân chia thời gian làm bài thích hợp để lấy được điểm tối đa, không nên bỏ bất kỳ câu hỏi nào và hạn chế đánh lụi mà cần bình tĩnh phân tích lý thuyết, loại trừ đáp án không liên quan để đạt kết quả tốt nhất.

Theo Lê Thị Lý (Tổ trưởng tổ GDCD Trường THPT Trần Khai Nguyên, TP.HCM) trên CNTS của báo Tuổi Trẻ

...