Chính trị - Xã hộiThế giớiPháp luậtKinh tếSống khỏeGiáo dụcThể thaoVăn hóa - Giải tríNhịp sống trẻNhịp sống sốBạn đọcDu lịchCần biếtCơ hội mua sắmDanh bạ trường họcTUOITRENEWSTUỔI TRẺ CUỐI TUẦNTUỔI TRẺ CƯỜITUỔI TRẺ TVTỦ SÁCH

Ôn tập theo phương pháp nào để làm bài thi tốt?

03/06/2021 03:58 GMT+7

Để hoàn thành mục tiêu dự thi tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh phải tập trung ôn tập kỹ 6/9 môn học để có thể hoàn thành 4/5 bài thi bắt buộc. Trong đó 3 bài độc lập là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 trong 2 bài thi tổ hợp là khoa học tự nhiên, khoa học xã hội.

Ôn tập theo phương pháp nào để làm bài thi tốt?

(Nguồn: Internet)

Dưới đây là chia sẻ của giáo viên về kinh nghiệm ôn tập hiệu quả các môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Cô Nguyễn Kim Anh (giáo viên ngữ văn, Trường THPT Phan Huy Chú - Hà Nội):

Môn ngữ văn
Đừng nghĩ để sát thi “học một thể”

Để không bị dồn bài đến cuối năm, học sinh cần nắm được các bài đã học ở học kỳ I một cách chắc chắn. Kinh nghiệm cho thấy môn văn cần ngấm dần, sâu, rõ thì khi ôn thi khơi dậy rất nhanh. Tuy nhiên, học sinh cũng cần lập bảng để hệ thống hóa kiến thức. Từ đầu năm học đến hết học kỳ I lớp 12 chủ yếu học thơ. Đến cuối học kỳ có 3 tác phẩm văn xuôi nhưng ở 3 thể loại khác nhau. Đó là Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là tùy bút “Người lái đò sông Đà” và bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông”. Hai tác phẩm này cần vẽ sơ đồ tư duy và lập bảng để nhớ chắc. Cũng có thể đặt trong thế đối sánh cho dễ nhớ và tránh nhầm lẫn. Cuối năm ôn tập sẽ thuận lợi hơn nhiều. Về 5 bài thơ học ở học kỳ I cũng không bỏ bẵng được vì học kỳ II không quay lại thể loại thơ nữa.

Vậy nên lời khuyên của các thầy cô dạy văn là các trò không nên học dồn. Hãy tìm cách hệ thống kiến thức. Đặc biệt các em không nên cứ đoán mò và tự loại trừ bớt bài. Khác nào học “tủ” mà “tủ” loại từ trước kỳ thi đến hơn nửa thì sẽ rất chênh vênh. Điều chú ý đặc biệt là cần tận dụng thời gian luyện các kỹ năng đọc hiểu, viết nghị luận xã hội. Kỹ năng là thứ cần rèn nên không thể ngày một ngày hai trước kỳ thi quan trọng mới học. Thực tế học văn đúng như câu “văn ôn võ luyện” mới thành công.

Cô Ngô Thị Thành (giáo viên lịch sử, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú - Hà Nội):

Môn lịch sử
Yêu thích vẫn cần phương pháp

Từ thực tiễn hướng dẫn học sinh ôn luyện, chinh phục kỳ thi THPT môn lịch sử, tôi nhận thấy mặc dù có nhiều em yêu thích và lựa chọn môn này để thi nhưng lại khó khăn trong việc tìm ra phương pháp học tập, ôn luyện. Vì thế điểm thi lịch sử của các em thường không cao.

Đầu tiên, học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản. Hàm lượng kiến thức môn lịch sử rất rộng và dễ gây nhầm lẫn với nhiều sự kiện, nhân vật. Vì thế, học sinh cần lưu ý hệ thống hóa kiến thức lịch sử bằng các bảng tổng kết, so sánh để giúp các em dễ ghi nhớ kiến thức; xây dựng sơ đồ tư duy để hệ thống hóa kiến thức đã học, giúp nhớ lâu và tư duy khoa học hơn; với các câu về diễn biến các trận đánh, nên có bảng chia giai đoạn theo timeline (mốc thời gian), nhớ tên các giai đoạn và kết quả chính; chỉ ghi nhớ key word (từ khóa) của các nội dung đúng vì với trắc nghiệm là sự lựa chọn chứ không phải các em phải viết trình bày. Đặc biệt, mỗi giai đoạn lịch sử, các em nên tìm đọc thêm một câu chuyện lịch sử bên ngoài về nhân vật lịch sử hoặc một sự kiện lịch sử để nhớ được thêm nội dung chính. Với phần lịch sử thế giới: cần hệ thống kiến thức lịch sử thế giới (1945 - 2000) theo hàng dọc (lịch sử phát triển của từng nước) và theo hàng ngang (so sánh giữa các nước với nhau); xác định, liên hệ những sự kiện lớn của thế giới có tác động đến lịch sử Việt Nam ở cùng thời kỳ.

Sau khi nắm vững kiến thức cơ bản, học sinh cần tích cực luyện đề. Các em cần dành thời gian làm thử đề mẫu để nắm vững được cách ra đề. Ngoài tài liệu trắc nghiệm do giáo viên cung cấp, các em có thể tự luyện đề qua các trang web, các kênh ôn tập có độ tin cậy cao. Nên luyện 2-3 đề/tuần, làm bài nghiêm túc có bấm thời gian để đánh giá lượng kiến thức của mình. Để tránh học vẹt ở môn lịch sử, học sinh có thể học theo công thức “4 W + 1 H”: What - sự kiện gì đã xảy ra, When - sự kiện lịch sử đã xảy ra vào thời điểm nào, Who - sự kiện gắn liền với ai (nhân vật, giai cấp, tầng lớp, tổ chức nào...), Where - gắn với địa điểm, không gian nào và How - diễn ra như thế nào. Lịch sử là một môn học đòi hỏi tư duy cao, nên học sinh cần chăm chỉ và có phương pháp học tập phù hợp, nhằm đạt kết quả trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Cô Nguyễn Thị Châu Loan (giáo viên địa lý, Trường THPT Phan Huy Chú - Hà Nội):

Môn địa lý
Ôn tập theo từng nội dung lớn

Địa lý là một môn thi trong tổ hợp khoa học xã hội nhưng lại có nhiều điểm khác so với 2 môn còn lại. Hệ thống câu hỏi đa dạng thuộc 2 phần kiến thức và kỹ năng, trong phần kỹ năng lại gồm câu hỏi liên quan, khai thác Atlat địa lý Việt Nam, đến biểu đồ và bảng số liệu. Mỗi dạng câu hỏi cần có cách học khác nhau.

Câu hỏi kiến thức yêu cầu thí sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản, hiểu bản chất và biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn, nghĩa là vừa yêu cầu hiểu rộng lại vừa cần hiểu sâu. Các em nên tổng kết lại kiến thức và ôn tập theo từng nội dung lớn như: vị trí địa lý và phạm vi lãnh thổ, địa lý tự nhiên, địa lý dân cư và xã hội, địa lý các ngành kinh tế, địa lý các vùng kinh tế, các vấn đề liên quan đến Biển Đông nước ta... Sơ đồ hóa kiến thức là một cách tổng kết và ôn tập kiến thức hiệu quả. Trên cơ sở kiến thức đã học, các em hãy vận dụng để luyện đề trắc nghiệm. Đầu tiên là luyện đề theo từng bài, từng chủ đề, sau đó luyện đề tổng hợp.

Atlat địa lý Việt Nam đã rất quen thuộc với học sinh khi học địa lý. Các em chỉ cần chú ý bảng chú giải và đọc theo yêu cầu của câu hỏi là có thể hoàn thành. Các biểu đồ địa lý có cách nhận diện riêng theo từ khóa. Ví dụ biểu đồ thể hiện cơ cấu thì có biểu đồ tròn, biểu đồ miền, biểu đồ cột chồng, biểu đồ thể hiện tốc độ tăng trưởng là biểu đồ đường tương đối... Câu hỏi bảng số liệu đã có đầy đủ thông tin ở đề bài, chỉ cần nắm vững kỹ năng cơ bản là có thể nhanh chóng tìm ra đáp án đúng. Môn địa lý còn có hệ thống công thức cần nhớ để hoàn thành các câu hỏi yêu cầu tính toán, ví dụ như công thức tính mật độ dân số, tính năng suất lúa, tỉ lệ dân thành thị...

Tóm lại, để làm tốt bài thi địa lý trong kỳ thi THPT, yêu cầu học sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản và thành thạo các kỹ năng thực hành.

Thầy Lê Văn Cường (giáo viên toán, Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành - Hà Nội):

Môn toán
Học kỹ lý thuyết và 4 bước làm bài tập

Các em muốn thi tốt môn toán cũng phải có phương pháp học tập và ôn tập đúng.

+ Về lý thuyết các em cần có một hệ thống các kiến thức đã học trong chương trình toán lớp 12 (ban cơ bản) nên làm theo từng chương mà các em đã học, trong chương trình toán lớp 11 thì dựa vào đề thi các năm gần đây có khoảng 5 câu hỏi về các nội dung sau mà các em cần ôn tập lại như: tổ hợp - xác suất; cấp số cộng - cấp số nhân; nhị thức Newton; khoảng cách; góc.

+ Về bài tập các em nên làm theo từng chuyên đề, sau đó mới luyện đề tổng hợp. Trong mỗi chuyên đề nên làm và trình bày các bài tự luận một cách cẩn thận vì nhiều em nghĩ thi trắc nghiệm nên chỉ làm bài trắc nghiệm; đây là một sai lầm, khi làm bài tự luận, các em mới hiểu vấn đề và biết trình bày lời giải một bài toán.

Bên cạnh đó các em luyện bài tập trắc nghiệm để quen phản xạ và rèn kỹ năng làm bài nhưng khi làm bài trắc nghiệm không chỉ khoanh vào phương án trả lời mà nên ghi vắn tắt lời giải ra vở, đồng thời ghi các kiến thức cần ghi nhớ, cần chốt lại sau mỗi bài làm.

Trước mỗi bài tập toán nên thực hiện theo các bước sau:

Bước 1. Tìm hiểu kỹ bài toán. Trong bước này cần xem bài toán nói về nội dung gì, những kiến thức nào liên quan đến bài toán và nên liệt kê ra các kiến thức đó.

Bước 2. Tìm lời giải cho bài toán. Từ bước 1, có thể kết nối các dữ kiện, phân tích và tìm lời giải cho bài toán đã cho.

Bước 3. Trình bày lời giải. Đối với những bài trắc nghiệm không cần trình bày quá chi tiết, chỉ cần ghi ra những ý chính, cốt lõi để đến câu trả lời. Điều này để rèn kỹ năng làm nhanh, một yêu cầu quan trọng với thi trắc nghiệm là tốc độ làm bài.

Bước 4. Chốt kiến thức trọng tâm của bài toán. Sau khi trình bày xong các em nên chốt lại kiến thức trọng tâm đã dùng trong bài tập này, điều này đòi hỏi phải xem lại bài toán, lời giải, từ đó viết ra kiến thức trọng tâm cần ghi nhớ và ôn tập.

Theo đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020, đề thi có 90% nội dung thuộc chương trình lớp 12 và 10% thuộc chương trình lớp 11; mức độ nhận biết - thông hiểu từ 65-70%; mức độ vận dụng từ 20-25%; mức độ vận dụng cao 10%. Như vậy, đề thi chủ yếu thuộc kiến thức cơ bản nên các em cần ôn tập kỹ dạng cơ bản, sau đó cần nâng cao và mở rộng để có thể đạt 8 điểm đến 9 điểm, còn để đạt điểm tuyệt đối cần làm kỹ những câu khó trong các đề thi (kể cả những đề thi thử, đề tham khảo) của các năm và luyện thêm những câu nâng cao trong từng chuyên đề.

Thầy Trần Văn Huy (giáo viên vật lý, Trường THPT Phan Huy Chú - Hà Nội):

Môn vật lý
Không nên bỏ qua ôn luyện online

Để vững cơ bản môn vật lý, học sinh cần có một vở ghi công thức cơ bản (thường lấy từ SGK vật lý). Đối với lý thuyết nên vẽ sơ đồ tư duy từng chương, kẻ bảng so sánh đối với các kiến thức trình bày tương tự nhau, ví dụ phần tia hồng ngoại, tử ngoại, tia X.

Để đạt tốc độ nhanh cần luyện tập trong khoảng thời gian tương ứng với thời gian làm bài thi trắc nghiệm môn vật lý. Cụ thể, thời gian làm bài 50 phút với 40 câu cần hoàn thành, đòi hỏi tốc độ làm bài nhanh, nhuần nhuyễn với các bài cơ bản, để còn đủ thời gian làm các bài mức độ áp dụng và áp dụng nâng cao.

Để có khả năng linh hoạt “ứng biến” với các dạng bài tập khác nhau; khi ôn tập, các em cần chú ý luyện các bài tập có thể diễn đạt đa dạng khác nhau nhưng cốt lõi kiến thức vẫn trong chuẩn, cần tìm hiểu bản chất vấn đề để linh hoạt áp dụng với các trường hợp khác nhau.

Hiện nay có nhiều kênh YouTube hướng dẫn chi tiết và các em có thể tùy chọn tốc độ học theo khả năng của bản thân. Đồng thời học sinh có thể tìm kiếm các trang web giúp luyện và kiểm tra bài online, ví dụ onluyen.vn. Ôn luyện online là một trong những hình thức hiệu quả, các em học sinh không nên bỏ qua.

Ngoài ra, các em cũng phải chú ý khi mới tiếp cận kiến thức mới, nên ghi chép cụ thể, các bài tập không chỉ làm khoanh đáp án mà nên trình bày lời giải thích vào vở để sau này xem lại. Ôn nhiều lượt và tăng dần tốc độ làm bài.

Thầy Nguyễn Hoàng Lâm (giáo viên hóa học, Trường THPT Yên Hòa - Hà Nội):

Môn hóa học
Từ khóa là “chăm chỉ”

Để có kết quả thi tốt nghiệp THPT tốt với môn hóa học, các em cần lưu ý 6 điều sau:

1. Lập thời gian biểu khoa học. Phân phối thời gian hợp lý giữa các môn học. Tránh dành quá nhiều thời gian vào môn học mình yêu thích mà không sắp xếp thời gian cho các môn còn yếu. Phân bổ thời gian trong ngày phù hợp cho việc làm bài tập và học lý thuyết. Không nên thức quá khuya để học bài, cố gắng dậy vào sáng sớm để học các phần lý thuyết cần ghi nhớ.

2. Hệ thống lại kiến thức các môn học theo một logic, theo các chủ đề đơn lẻ hay chủ đề tổng hợp kiến thức nhiều chương, phù hợp bản thân để dễ nhớ, dễ vận dụng khi làm đề thi. Học chắc các dạng bài cơ bản rồi mới học bài khó hơn.

3. Tận dụng tối đa các sách tham khảo và tài liệu trên mạng một cách có chọn lọc. Tìm hiểu các phương pháp giải bài nhanh, dễ hiểu, tránh các phương pháp ngắn nhưng lại chỉ áp dụng cho một dạng bài rất hẹp mà quá nặng nề tính toán dễ bị rủi ro khi áp dụng.

4. Cần tự giác làm sớm các đề thi thử của các trường có tên tuổi và các đề thi chính thức của Bộ GD&ĐT ra các năm trước. Khi làm, cần phải tập trung cao độ 100% như thi thật, căn đúng lượng thời gian của đề thi yêu cầu. Làm xong cần tự chấm điểm, tự rút kinh nghiệm và làm lại đề đó lần thứ hai, lần thứ ba sao cho nhuần nhuyễn.

5. Có kinh nghiệm phân bổ thời gian hợp lý khi làm đề thi. Phải làm chắc chắn các câu trong khả năng và năng lực của bản thân. Tránh làm nhanh ẩu các câu dễ để chăm chăm làm các câu khó trong đề để đạt điểm cao tuyệt đối. Chú ý các câu lý thuyết tổng hợp, các câu dạng đếm các mệnh đề đúng sai, các bẫy trong các bài khó và quan tâm học đến các dạng bài mang tính vận dụng kiến thức trong cuộc sống, các bài thí nghiệm thực hành trong chương trình sách giáo khoa.

6. Cuối cùng, do tính chất đề thi các năm gần đây đã có sự giảm tải đáng kể các câu nặng nề tính toán, cài bẫy học sinh, mà có hướng tập trung ra vào các câu mang tính vận dụng kỹ năng, phát triển phẩm chất năng lực cho người học. Vì vậy, từ khóa quan trọng nhất với các em là hai chữ “chăm chỉ”, nghiêm túc học chắc kiến thức trên lớp thầy cô dạy, bám chắc sách giáo khoa và tự giác kỷ luật với bản thân để tự học, nghiên cứu các nguồn tài liệu tham khảo, làm nhiều đề tham khảo rèn luyện tâm lý, kinh nghiệm làm đề thi có kết quả cao nhất.

Cô Tạ Thị Thảo (giáo viên sinh học Trường THPT Yên Hòa - Hà Nội):

Môn sinh học
Cần biết tổng hợp bằng sơ đồ tư duy

Đề thi môn sinh học 3 năm trở lại đây kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 và một phần (khoảng 6-8 câu) nằm trong chương 1 lớp 11. Vì thế, học sinh cần bám sát kiến thức cơ bản. Cụ thể ghi nhớ khái niệm, đặc trưng, quy luật, công thức sẽ là nền tảng để tiếp cận với những kiến thức mở rộng, nâng cao hơn. Đặc biệt, các em cần biết tổng hợp kiến thức từng chương theo sơ đồ tư duy. Đây là một phương pháp học rất hiệu quả đối với môn sinh học vì nó giúp học sinh nắm kiến thức một cách dễ dàng hơn rất nhiều. Chỉ cần nhìn vào sơ đồ tư duy có thể so sánh, đối chiếu được sự khác nhau giữa các nội dung, tránh sự nhầm lẫn.

Môn sinh học nằm trong tổ hợp khoa học tự nhiên (vật lý - hóa học - sinh học) và lại là môn thi cuối cùng trong tổ hợp, chính vì vậy học sinh đã mệt mỏi lại thêm việc nhiều thí sinh không chọn môn này để xét tuyển đại học nên phần lớn học sinh... buông xuôi. Vậy lời khuyên cho các em là sau khi thi vật lý - hóa học; không nên nghĩ đến 2 môn trước, uống nước cho đầu óc được thả lỏng trước khi vào thi môn sinh cuối cùng.

Thông thường, đề thi sắp xếp theo thứ tự các câu từ dễ đến khó, tuy nhiên khi làm bài thi cần lưu ý đọc lướt qua đề 1-2 lần xem câu nào làm được thì làm trước. Trong chương trình sinh học phần “Sinh thái học” là dễ nhất, các em có thể làm hoàn chỉnh phần này, sau đó đến phần “Tiến hóa”, rồi đến phần “Di truyền chọn giống”, phần “Di truyền quần thể”, rồi đến “Cơ chế di truyền và biến dị”, cuối cùng sẽ đến phần “Quy luật di truyền”. Phần “Quy luật di truyền” là phần tập trung nhiều bài tập khó và hay đánh bẫy học sinh nhất, vì vậy các em không cần tập trung vào chương này nhiều quá, chỉ làm bài tập phân ly độc lập và hoán vị gen dạng đơn giản.

Cô Nguyễn Thị Thu Hương (giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Yên Hòa - Hà Nội):

Môn tiếng Anh
Ôn theo chuyên đề, chú ý luyện bài đọc hiểu

Học sinh nên chủ động có kế hoạch ôn tập môn tiếng Anh theo chuyên đề. Ví dụ chuyên đề ngữ pháp, cần ôn tập có hệ thống và cơ bản các phần như: ngữ âm, thời (thì) của động từ, câu trực tiếp, gián tiếp... Tiếp đến là phần từ vựng. Đây là phần rất quan trọng. Học sinh cần ghi nhớ từ vựng theo từng chủ đề cụ thể. Những chủ đề mà đề thi hay ra là: Giáo dục, Môi trường, Kinh tế... Ngoài ra, học sinh chăm luyện đọc, đọc hiểu cũng là cách ghi nhớ từ vựng.

Ôn tập phần đọc hiểu cần chú ý đến các dạng câu hỏi khác nhau. Ví dụ câu hỏi tìm thông tin, câu hỏi suy luận... Theo kinh nghiệm, thường các câu hỏi yêu cầu suy luận được đặt trước, nhưng học sinh không nên làm trước câu này mà làm những câu yêu cầu tìm thông tin trước. Qua đó, sẽ hiểu được nội dung chính của bài đọc để có thể trả lời chuẩn xác câu hỏi yêu cầu suy luận.

Sau khi ôn tập theo chủ đề, với môn tiếng Anh, học sinh cần luyện đề rất nhiều mới thành thạo và có phản ứng tốt, nhanh khi thi. Trong thời gian ôn tập nước rút, mỗi ngày học sinh cần luyện ít nhất 1 đề thi với môn tiếng Anh. Các em lưu ý phải luyện đề trong đúng khoảng thời gian quy định đối với môn thi này ở kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các em cần phân bố thời gian hợp lý để làm các phần khác nhau trong đề, tránh việc để lại câu hỏi khó với khoảng thời gian ít quá, tâm lý không bình tĩnh dẫn tới việc không hoàn thành. Trong khi đây lại là các câu có số điểm nhiều hơn trong tổng điểm bài thi. Các em nên dành ít nhất 5 phút cuối để kiểm tra bài.

Sau khi luyện một đề như thi thật, học sinh cần tự chữa đề bằng cách so với đáp án, xem mình làm được bao nhiêu câu đúng, tìm hiểu vì sao mình làm sai để rút kinh nghiệm, khắc phục. Sau một thời gian, nên làm lại các đề đã làm để xem kết quả có tiến bộ không. Nhất là tránh lặp lại những lỗi sai cũ.

Vĩnh Hà ghi
Theo CNTS của báo Tuổi Trẻ

...