" />" />" />
Chính trị - Xã hộiThế giớiPháp luậtKinh tếSống khỏeGiáo dụcThể thaoVăn hóa - Giải tríNhịp sống trẻNhịp sống sốBạn đọcDu lịchCần biếtCơ hội mua sắmDanh bạ trường họcTUOITRENEWSTUỔI TRẺ CUỐI TUẦNTUỔI TRẺ CƯỜITUỔI TRẺ TVTỦ SÁCH

Các nhà leo núi Olympia 2019 bật mí bí quyết học tập

17/04/2020 05:00 GMT+7

Cũng như nhiều bạn trẻ sinh năm 2002, phần lớn các "nhà leo núi” Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19 cũng đang tất bật ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2020. Mỗi người trong số họ đều có những kinh nghiệm thú vị riêng có thể học hỏi…

Các nhà leo núi Olympia 2019 bật mí bí quyết học tập

Khưu Minh Khoa giành giải nhất tuần Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19 (Nguồn: Internet)

Môn Tiếng Anh: Lưu ý các từ khóa

Theo Hà Công Chánh - Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), thí sinh Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19: Môn Tiếng Anh có một số quy tắc có thể vận dụng, chẳng hạn ở một số câu hỏi, việc loại các đáp án sai sẽ nhanh hơn việc phải chọn đáp án đúng. Đối với từ vựng và ngữ pháp, Chánh cho rằng trong quá trình ôn tập cần tìm đọc và giải các tài liệu luyện thi các kỳ thi IELTS, SAT. “Các bạn cũng nên đọc sách báo, xem chương trình truyền hình bằng tiếng Anh, không cần dịch và phụ đề. Việc nghe nhạc có thể không tốt cho việc ôn tập ngữ pháp, vì lời bài hát thường có nhiều chỗ ngữ pháp không chính xác” - Chánh nói.

Trong khi đó theo Khưu Minh Khoa - Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM, thí sinh vào vòng quý Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19: Để làm tốt các bài trắc nghiệm tiếng Anh, cần lưu ý các từ khóa trong từng câu, đồng thời phải nhìn vào 4 đáp án và đọc kỹ đề bài để tránh chọn nhầm. Về học từ vựng, Khoa cho đó là cả quá trình khá dài đòi hỏi phải khổ luyện hằng ngày. Mỗi ngày mình đều trích học khoảng 10 từ mới để học, học luôn cả các từ nằm trong danh sách gia đình từ” - Khoa chia sė.

Môn Hóa học: Làm lý thuyết trước

Với bài thi Hóa có 40 câu và làm trong 30 phút, Minh Khoa thường dành 5 phút đầu tiên để đọc sơ qua đề, sau đó bắt đầu dành 15 phút để giải quyết các câu hỏi lý thuyết. 20 phút tiếp theo làm bài tập mức độ dễ và trung bình. Thời gian còn lại sẽ tập trung các câu khó, chủ yếu nằm ở 10 câu cuối cùng. Minh Khoa “bật mí”: “Mỗi ngày mình đều dành từ 20 - 30 phút xem lại các phương trình hóa học cũng như lý thuyết. Mình cũng dùng sơ đồ tư duy để bài học trở nên dễ thuộc hơn”.

Môn Toán: Thi trắc nghiệm, tự luận làm nền tảng

Theo Công Chánh, tuy môn Toán thi trắc nghiệm nhưng cũng cần nắm chắc phương pháp giải tự luận của các dạng toán, giúp kỹ năng tư duy, suy luận tốt hơn để tăng tốc độ giải trắc nghiệm. Kỹ năng sử dụng máy tính là đặc biệt quan trọng, nên phải nắm thật kỹ cách dùng máy tính cho từng dạng toán, luyện tập để tốc độ bấm máy của mình nhanh hơn.

Phần lớn số câu hình học trong đề thi sẽ rơi vào một số dạng thường gặp trong đề luyện tập, cố gắng rút ngắn thời gian giải các câu này bằng việc nhớ công thức nhanh, nhớ số đo các cạnh, các góc trong một số hình đặc biệt. Với các câu hình học khó, đòi hỏi phải vận dụng được cả những kiến thức đã học ở lớp dưới cũng như có tư duy không gian tốt để giải ra được.

Môn Văn: Tạo dấu ấn cá nhân

Nguyễn Hải Đăng - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Khánh Hòa), á quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19 - cho biết bạn thường chú trọng vào cá nhân hóa cách cảm thụ nghệ thuật để làm bài đa chiều hơn.

Với phần nghị luận xã hội, Hải Đăng thường làm bài theo hướng phản đề, tạo tính đối thoại cho bài làm mà theo bạn đó là cách luyện kỹ năng tranh luận và tư duy logic học. Đầu tiên, bản thân mình phải dám đi ngược lại luồng suy nghĩ chính thống bởi đề văn nào cũng có một phản đề. Tiếp theo là phải có một hệ thống luận cứ chắc chắn luôn thường trực để viết phản đề. Thường nghị luận xã hội sẽ liên quan đến một tư tưởng, đạo lý hoặc ý nghĩa xã hội của một sự việc thời sự gần đây. “Mình thường tự đặt câu hỏi ngược lại với đề bài, và dùng lập luận cũng như luận cứ để chứng minh. Luận cứ thường lấy trong đời sống, sách vở... Để giới hạn thời gian làm bài, phản đề của mình chỉ có một, hai luận điểm, nên mình cố gắng rút ngắn phần lập luận súc tích nhất có thể” - Đăng chia sẻ.

Môn Sinh: Tư duy quy nạp và suy diễn

Cũng theo Hải Đăng, việc học môn Sinh thường chú trọng vào hai kiểu tư duy chính: tư duy quy nạp và tư duy suy diễn. Quy nạp là khi mình quan sát mọi thứ xung quanh, xem những số liệu, bảng biểu để rút ra được những quy luật gì chung nhất. Còn những gì chưa thể thấy được hoặc thực nghiệm hóa, thì dùng óc suy diễn trên những lý thuyết sẵn có. Hải Đăng chia sẻ: “Chỉ cần có một lý thuyết làm nền tảng thì mình có thể đưa ra nhiều giả thuyết hợp lý. Hai loại tư duy trên cũng là tinh thần của các cuộc thi Sinh học quốc gia và quốc tế” - Đăng nói.

Theo CNTS của báo Tuổi Trẻ

...