Chính trị - Xã hộiThế giớiPháp luậtKinh tếSống khỏeGiáo dụcThể thaoVăn hóa - Giải tríNhịp sống trẻNhịp sống sốBạn đọcDu lịchCần biếtCơ hội mua sắmDanh bạ trường họcTUOITRENEWSTUỔI TRẺ CUỐI TUẦNTUỔI TRẺ CƯỜITUỔI TRẺ TVTỦ SÁCH

Học trái ngành - làm trái nghề có đáng sợ?

20/04/2020 10:04 GMT+7

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, khoảng 60% sinh viên ra trường làm trái ngành (năm 2014). Xu hướng này vẫn đang phổ biến.

Học trái ngành - làm trái nghề có đáng sợ?

(Nguồn: Internet)

Vậy thật sự làm trái ngành có đáng sợ? Cơ hội nào cho những người “ngoại đạo” bước chân vào lĩnh vực mới?

Sự nghiệp bạn chọn năm 18 tuổi

Không phải ai cũng biết mình đam mê gì, giỏi gì vào năm 18 tuổi. Lựa chọn nghề nghiệp tại thời điểm chớm trưởng thành khiến nhiều người đưa ra quyết định vội vàng, chưa chính xác. “Năm 18 tuổi, với học lực trung bình, tôi gần như được định hướng vào cao đẳng ngành ngân hàng ở quê hay nói kiểu “học ngân hàng sẽ ngon”, “nhà có người quen”... Tôi khi ấy chưa biết mình muốn gì nên cứ đi học theo ý người khác” - chị Trần Đặng Kim Phụng (27 tuổi), chuyên viên marketing thương hiệu, kể lại.

Nhưng nhanh chóng, ngành học khiến Phụng nhận ra mình không phù hợp - kịch bản chung của nhiều bạn trẻ chọn nhầm ngành. Cố vượt qua chán nản, chỉ duy trì việc học và đi làm thêm để biết mình thật sự thích gì. “Xác định ra trường sẽ khó phù hợp với lĩnh vực ngân hàng, tôi chấp nhận trải nghiệm và thử sai. Tôi làm ở bộ phận kinh doanh (sales) được một tháng, chăm sóc khách hàng được một năm, không ngại thay đổi để tìm thấy điều phù hợp nhất. Do làm trái ngành học, tôi phải xuất phát từ vị trí thấp mà nhà tuyển dụng ít đòi hỏi chuyên môn, kinh nghiệm. Quan trọng, tôi đã học được nhiều điều nền tảng từ công việc trực tổng đài điện thoại, như: thiết kế website, lập trình, marketing, các sản phẩm và nghiệp vụ ở nhiều bộ phận trong công ty” - chị Phụng chia sė.

Phần lớn người làm trái nghề đều sợ “cả đời giậm chân tại chỗ” vì thiếu chuyên môn, nhưng điểm mấu chốt là khi tìm thấy công việc yêu thích, người làm trái nghề thường hăng say học tập, tự giác tích lũy kinh nghiệm hơn hẳn người làm đúng chuyên ngành mà không đam mê công việc đó. Họ sẵn sang làm không công để được “cầm tay chỉ việc” trong những năm đầu tiên bắt đầu sự nghiệp. Sau 12 tháng tích lũy, Phụng mạnh dạn ứng tuyển vào các doanh nghiệp với vị trí marketing như bao cử nhân chuyên ngành, hồ sơ xin việc của chị không “lấp lánh” về điểm số hay trường danh tiếng nhưng hoàn toàn thuyết phục doanh nghiệp bởi kinh nghiệm và kỹ năng sát sườn qua thực tế. “Khi làm trái ngành, mình thiệt thòi hơn vì không được đào tạo bài bản, nhưng cứ để cuộc đời dạy mình từ số 0, làm đầy vốn hiểu biết và mở ra nhiều cơ hội không ngờ” - Phụng chia sė.

Học và giỏi nhiều hơn một ngành

Tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh, chị Trần Hạo Anh sáng lập Dự án Trường Doanh nhân Quốc tế lại gắn bó với công việc quản lý sản phẩm công nghệ, marketing giải trí trực tuyến. 10 năm làm trái nghề đã cho chị góc nhìn khác: “Các bạn trẻ thường thất bại vì sự ngại ngần, thiếu tự tin hơn là năng lực kém. Thực tế là dù bạn học đúng ngành hay trái ngành thì doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại. Kiến thức từ đại học luôn có độ vênh với thực tế, chúng ta học nhiều hơn từ quá trình “nghề dạy nghề”. Đừng tưởng học ở trường là đủ đi làm, đủ giỏi. Không phải! Ai rồi cũng học nữa, học mãi để thăng tiến trong sự nghiệp”.

Tại công ty cũ làm về công nghệ, Hạo Anh gần như là nữ quản lý đầu tiên không có nền tảng, bằng cấp về kỹ thuật. “Rõ ràng mình không biết lập trình, nhưng công việc đòi hỏi khả năng trao đổi, thảo luận với nhân viên, đồng nghiệp - phần lớn có chuyên môn về công nghệ thông tin. Tôi phải học và tìm hiểu bản chất của kỹ thuật, biết những gì khả thi và bất khả thi để xây dựng chiến lược cho ra sản phẩm tốt nhất” - chị Anh chia sẻ - “Hơn nữa, dù chúng ta chọn đúng ngành, nhưng ai bảo đảm sau 4 năm học sẽ không có gì thay đổi, nghề chúng ta chọn sẽ không lạc hậu?”. Câu hỏi của chị Hạo Anh đặt ra rất thực tế giữa bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ, khi các công việc đơn giản lặp đi lặp lại sớm bị thay thế, đồng thời phát sinh yêu cầu mới (sáng tạo hơn) cho người lao động. Làm trái ngành không chỉ là “dòng đời đưa đẩy” mà còn là xu thế thay đổi về cơ cấu lao động đang diễn ra.

Để tồn tại và phát triển, khả năng thích nghi và tự nâng cấp mới là yếu tố then chốt. “Ông bà ta nói nhất nghệ tinh, nhất thân vinh nhưng xã hội đang đòi hỏi mỗi người phải học và giỏi nhiều hơn một ngành” – Hạo Anh khẳng định. “Đừng nghĩ kỹ sư phần mềm chỉ cần giỏi kỹ thuật. Kỹ thuật suy cho cùng là nhằm phục vụ nhu cầu của con người. Điều cốt lõi của việc sáng tạo phần mềm là hiểu thị trường, hiểu khách hàng muốn gì để làm ra sản phẩm phù hợp. Bạn có nghĩ mình sẽ thiết kế website, sản xuất nội dung nhanh hơn và rẻ hơn trí tuệ nhân tạo? Nhưng nếu bạn có tư duy quản lý, tư duy marketing, tìm hiểu thêm về tâm lý học, xã hội học, bạn sẽ trở thành “ngôi sao” sáng tạo trong công ty, thậm chí tự khởi nghiệp để tạo ra sản phẩm được thị trường chờ đón”.  

Nỗi lo lớn nhất của người làm trái ngành thường là: tôi chưa giỏi chuyên môn, tôi chưa có kinh nghiệm liên quan trong lĩnh vực... Tuy nhiên, một thực tế là doanh nghiệp hiểu tình trạng của sinh viên mới ra trường và sẵn sàng đào tạo, họ khao khát nhân lực với những người chịu học hỏi, có thái độ cầu thị, có khả năng học nhanh và tư duy giải quyết vấn đề.

Theo Tường Hân trên CNTS của báo Tuổi Trẻ

...